Lịch Sử Dòng Đức Bà Tại Hồng Kông

Vào tháng 4 năm 1964, Hội Đồng Trung Ương Dòng Đức Bà (CND) dự định tìm một địa điểm mới để thành lập nhà dòng tại vùng Đông Nam Á, ngoài Việt Nam.

C. J.Binh

Tháng 7 năm 1964 : chuyến viếng thăm Hồng-Kông đầu tiên, một bước ngoặc quan trọng.

Tháng giêng năm 1965, 4 nữ tu khởi hành từ Việt-Nam đi Hồng-Kông (3 chị Pháp và 1 chị Việt-Nam).

Ở Hồng-Kông, chúng tôi không có ý định khởi sự bằng việc mở trường như đã từng làm từ trước tới nay tại khắp nơi Hội Dòng hiện diện. Vì thế, trong khi ráo riết chuẩn bị cho sứ mạng mới bằng cách học ngôn ngữ (tiếng Quảng Đông), thì đồng thời chúng tôi cũng để ý quan sát xem nhu cầu của người dân Hồng-Kông là gì. Chúng tôi nhận thấy rằng kiến thức về ngôn ngữ địa phương rất cần thiết cho bất kỳ công việc nào ở đây, bởi vì ngôn ngữ giúp trao đổi với mọi người, hiểu biết cặn kẽ văn hoá và văn minh địa phương, và điều này vốn thiết yếu cho công việc truyền giáo.

Thế là vào tháng 9 năm 1966, chúng tôi mở ngay một Trung tâm Ngoại ngữ ứng dụng theo phương pháp của « New Asia College methode », một phương pháp khá mới mẻ, chuyên sâu, và đưa đến nhiều kết quả tốt ; nhưng chúng tôi áp dụng chút ít thôi vì nhận thấy rằng các linh mục truyền giáo và các nữ tu đôi khi không có thời gian, và không đủ khả năng hoặc tài chính hoặc kiến thức khi theo học các lớp chuyên sâu của New Asia College.

Chúng tôi cũng nhận thấy tại một vài nhà dòng địa phương, các nữ tu không giỏi tiếng Anh, chính điều này đã làm cho họ không trao đổi được với các nhà truyền giáo, không tiếp cận được với các nền văn hoá khác, với các thay đổi trong phụng vụ, hoặc với các trào lưu thần học mới mẻ… Do đó, chúng tôi đã tổ chức các lớp học tiếng Anh, và cả các lớp học tiếng Pháp cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên đang chuẩn bị đi du học nước ngoài. Chúng tôi đã đặt tên cho ngôi nhà của mình là « tình bằng hữu » vì mong muốn tất cả những ai đến đây có thể trao đổi và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho nhau.

Từ năm 1966 đến năm 1970, có thể nói rằng hoạt động chính yếu của cộng đoàn chúng tôi là giảng dạy tại Trung tâm Ngoại ngữ nhằm hướng đến sứ vụ truyền giáo rộng lớn hơn. Vào khoảng tháng 3 năm 1971, nhiều chị phải rời khỏi HK vì nhiều lý do khác nhau, nên chúng tôi không thể đảm nhận việc giảng dạy tại Trung tâm Ngoại ngữ nữa, từ đó chúng tôi bắt đầu thay đổi phương hướng hoạt động tông đồ.

Công việc dấn thân của tôi tại Hồng-Kông:

Là người Việt Nam, xuất thân từ một gia đình ít nhiều chịu ảnh hưởng đạo lý Khổng giáo và tôn trọng việc Thờ cúng Tổ tiên, thế nhưng tôi lại được tiếp nhận
nền giáo dục Kitô giáo trong trường của các nữ tu Dòng Đức Bà tại Đà Lạt. Tôi đã phải chờ đến 9 năm mới được gia đình cho phép lãnh nhân bí tích thánh tẩy, vì đối với cha tôi, trở thành Kitô hữu có nghĩa là cách ly với gia đình.
Ơn gọi truyền giáo của tôi được hình thành từ tấm lòng tận tụy, bác ái của các nữ tu khi giảng dạy học trò, từ tâm hồn bình an hoà lẫn tinh thần vui tươi trong đời sống cộng đoàn của các chị. Từ dạo đó, tôi mong ước được trở thành nhà truyền giáo. Nhưng chỉ sau khi khấn lần đầu vào năm 1963, tôi mới viết đơn thỉnh nguyện xin đi truyền giáo, cho dù tôi chưa biết là mình sẽ được đưa đến nước nào. Vào thời điểm này, tức là trong những năm 63-64, Dòng Đức Bà đã mở rộng sứ vụ tại Brazil, Việt Nam, Congo, Ouganda còn tại Algérie thì Hội Dòng vừa mới đến. HK thì bắt đầu vào năm 1965.

Thật không thể nào diễn tả được sự ngạc nhiên khi tôi hay tin mình được chỉ định đi HK và sẽ lên đường vào tháng 7 năm 1966 ! Nhưng sau niềm hân hoan phấn khởi, tôi lại đâm lo khi biết rằng ở HK, người ta chỉ nói tiếng Anh và tiếng Hoa … và hình như căn hộ của các nữ tu thì ở tầng 9 … mà lúc đó tôi lại rất sợ đi thang máy ! Để tự trấn an, tôi nghĩ rằng : « một khi đã lên được đến tầng 9, mình sẽ không đi đâu nữa hết, thế thôi ! ».

Với diện mạo châu á, tôi không cảm thấy quá « xa lạ » giữa môi trường người Hoa, nhưng ngược lại mọi người đều không hiểu tại sao tôi không biết nói tiếng Hoa ! Ban đầu, thật không dễ dàng chút nào khi phải đi mua hàng, nhất là ở chợ, vì giá cả mọi thứ đều ghi bằng tiếng Hoa ! Bấy giờ, tôi mới nhận thức được cái gọi là « mù chữ » và thấm thía nỗi thất vọng ê chề khi không thể giao tiếp được với mọi người. Không cần giải thích thì các bạn cũng hiểu là tôi đã mang vốn tiếng Hoa ít ỏi vừa học đuợc để sử dụng.

Khi vừa mới đến HK, chị Marie-Noëlle nói với chị Marie-Amélie và tôi : « Hai em có 2 năm để học tiếng Hoa và sau đó là bắt đầu ngay các hoạt động tông đồ ! ». Thế là từ thứ hai đến thứ sáu, chúng tôi theo học các lớp tiếng Hoa từ 9g cho đến trưa. Tại các lớp này cũng có tu sĩ các dòng khác đến học. Sau buổi học, chúng tôi chuẩn bị cơm trưa. Buổi chiều, chúng tôi dọn dẹp nhà cửa, đi mua hàng, tự học riêng… Và sau cơm tối thì chúng tôi dạy ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp), vì chúng tôi cũng cần có thu nhập để sống. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, chúng tôi tổ chức các hoạt động cho giới trẻ hoặc những người khác và tham gia các khoá huấn luyện liên dòng. Nhờ những cuộc gặp gỡ khác biệt này, chúng tôi hiểu được « môi trường tôn giáo » tại HK và các mối tương quan đa dạng đã nảy nở.

Một ngày kia, có một người đã chia sẻ với tôi như sau : « Việt Nam đã từng bị Trung Quốc đô hộ suốt nhiều thế kỷ, chị có nghĩ rằng người Hoa đồng ý để cho chị « dạy dỗ » họ và liệu họ có kính nể chị không ?» Tôi trả lời rằng tôi không hề có ý định « dạy dỗ » người Hoa, vì mong ước duy nhất của tôi là được đến sống chan hoà với họ, nhằm tìm hiểu các giá trị chân chính của người Hoa, và nếu có thể, làm cho họ biết Đấng đã yêu thương tôi và cũng rất yêu thương họ.

Sau 2 năm học tiếng Hoa, tôi bắt đầu dạy Kinh Thánh trong một trường tiểu học nằm trên sân thượng của một tòa nhà « tái định cư » (những tòa nhà được xây dựng vội trong những năm 1950 để tiếp nhận hàng ngàn người tỵ nạn từ Trung Quốc đổ xô về HK). Ngôi trường này dành cho trẻ em nghèo mà đa số chỉ có khả năng học đến bậc tiểu học. Mục đích của chúng tôi là cố gắng gieo vãi « những hạt giống Tin Mừng nhỏ bé » có thể nảy mầm một ngày nào đó.

Vào năm 1970, cha xứ ở Hung Hom đến gặp chúng tôi và xin một chị đảm nhận công việc mục vụ trọn ngày : dạy giáo lý tân tòng cho người lớn, giáo lý cho trẻ em, hướng dẫn thiêng liêng cho nhiều nhóm khác nhau… Dạy giáo lý tân tòng ?! Làm sao tôi có thể từ chối được bởi bản thân tôi đã từng là dự tòng trong 9 năm ? Lúc bấy giờ, chúng tôi đã lập được một ban mục vụ rất gắn bó với nhau trong các buổi cầu nguyện và các bữa cơm chung. Chính nhóm này đã hổ trợ chúng tôi rất nhiều trong công việc truyền bá Tin Mừng.

Vào năm 1977, mặc dù chỉ còn tôi là nữ tu duy nhất của Hội Dòng ở HK, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của một vài người có uy tín tại HK, và có thể khi thấy tôi hoà nhập làm việc tốt trong giáo xứ, được ban mục vụ hỗ trợ để tôi có thể sống « cộng đoàn », thì chị Elisabeth Giron (Bề trên Tổng quyền) đã quyết định duy trì Hội Dòng ở HK.

Thế là đã 38 năm tôi tham gia công tác mục vụ. Trừ những năm từ 1982 đến 1988, ngoài việc đảm bảo công tác huấn luyện các giáo lý viên tại Trung Tâm Giáo Lý của Giáo phận, tôi đã đồng hành với hàng trăm dự tòng trên con đường tìm kiếm Chúa. Những người này thuộc đủ mọi lứa tuổi, đến từ mọi nơi, và có trình độ trí thức khác nhau, thế nhưng chúng tôi đã trở thành bạn với nhau và tương quan bằng hữu này vẫn tiếp tục mãi sau khi lớp giáo lý kết thúc. Tôi có thể nói rằng họ đã đón nhận tôi cũng như tôi đã đón nhận họ và « niềm vui của họ cũng chính là niềm vui của tôi, và nỗi đau buồn của họ cũng chính là nỗi đau buồn của tôi ».

Và ngày nay thì sao ?

« Làm cho người ta biết Chúa Kitô và yêu mến Chúa Kitô », đây thật là một nhiệm vụ rất lý thú và kỳ diệu, mà cũng rất đòi hỏi ! Đó là một nhiệm vụ vượt ra ngoài sức lực và khả năng của tôi, nhưng chẳng phải chính Chúa Giêsu đã nói « Và Ta, Ta sẽ luôn ở với các con mỗi ngày cho đến ngày tận thế » sao ? (Mt 28, 20). Đó cũng là một nhiệm vụ đòi hỏi lòng tôn trọng và nhẫn nại rất nhiều vì phải để cho ân sủng của Thiên Chúa hoạt động nơi mỗi người, bởi lẽ mỗi người là một mầu nhiệm. Nhiệm vụ này đòi hỏi phải biết « thu nhỏ mình lại » để « cho Chúa lớn lên » như thánh Gioan Tẩy Giả đã nói.

Năm 1977, chị Alice Yuen Kit Ling (nữ tu người Hoa đầu tiên) gia nhập Hội Dòng. Là giáo viên tại một trường tiểu học, chị tiếp tục công việc dạy học cho đến khi về hưu vào tháng 8 năm 2008 vừa qua. Và từ tháng 9 năm 2008, chị đảm nhận công việc tại giáo xứ trọn ngày cùng với chị em.

Năm 1997, chị Maria Choi Kam Man nhập Dòng và tiếp tục giảng dạy trong trường trung học.

Năm 2003, chị Paola Yue Wai Ying nhập Dòng. Là người chuyên trang trí nội thất cho các nhà thờ, chị làm việc tại Ban Phụng vụ của Giáo phận.

Do đó, hiện nay Hội Dòng ở HK có 4 chị em. Chúng tôi cố gắng sống yêu thương hiệp nhất, một trí một lòng trong các hoạt động tông đồ khác nhau, và luôn giữ vững mục tiêu của sứ mạng giáo dục, đó là làm cho mỗi người lớn lên « toàn diện », và nhất là « làm cho Người lớn lên ». Người là chính Đức Kitô, Người phải lớn lên trong tất cả những gì chúng tôi làm và ở nơi chúng tôi sống.

Năm 1997 là mốc thời gian quan trọng đối với chúng tôi : HK được trả lại cho Trung Quốc. Trước ngày này, nỗi lo lắng và hoảng sợ bao trùm khắp mọi nơi. Câu hỏi đặt ra cho đa số dân chúng : ở lại hoặc ra đi ? Biết bao nhiêu người đã quyết định rời bỏ HK vì họ không muốn sống dưới chế độ cộng sản Trung Quốc mà cha mẹ họ đã phải bỏ trốn vào những năm 1950 ?

Còn đối với chúng tôi, thì chúng tôi chọn ở lại để liên đới với Giáo Hội HK trong nhiệm vụ làm « cầu nối » giữa Giáo Hội Hoàn vũ với Giáo Hội Trung Quốc. Tuy nhiên có một sư kiện khác mà chúng tôi xem là do Chúa an bài : vào năm 1988, qua trung gian một nhà truyền giáo người Hungary là cha Jaskó, chị Marie-Amélie đã liên lạc được với một nhóm các nữ tu trẻ người Hoa của Hội Dòng School Sisters Kalocsa (CSSK), do các nữ tu Hungary thành lập trong những năm 1928.

Vào năm 1928, đáp ứng lời kêu gọi của các cha Dòng Tên Hungary đang truyền giáo tại Trung Quốc vốn là những người đồng hương với các chị, các nữ tu CSSK đã gửi một nhóm nữ tu đến tỉnh Henan. Từ năm 1928 đến năm 1949, hạt giống truyền giáo nhỏ bé này lớn dần lên : có rất nhiều thiếu nữ Trung Hoa đến gia nhập, và Nhà Mẹ CSSK phải dời về Hebei, phía bắc tỉnh Henan (Tham khảo nội san CND số 111 – tháng 11 năm 2003).

Và rồi đảng cộng sản nắm chính quyền vào năm 1949. Nhà nước tịch thu tất cả tài sản thuộc về tư nhân, giải tán các dòng tu, bắt giữ và buộc các tu sĩ cũng như nữ tu phải lao động cưỡng chế, và trong vòng từ 3 đến 5 năm, trục xuất tất cả các nhà truyền giáo. Riêng các nữ tu Trung Quốc, các chị bị buộc phải trở về sống với gia đình hoặc lập gia đình để chứng minh là các chị đã từ bỏ đời sống tu trì.

Vào năm 1980, chính sách mở cửa tại Trung Quốc bắt đầu. Các nữ tu Dòng SSK ở Trung Quốc tập họp lại : các chị chỉ còn có 3 người. Thế là từ năm 1985, các chị bắt đầu tuyển nhận lại các thiếu nữ tuổi từ 16 đến 18, đào tạo các em trong khả năng cho phép, rồi từ đó các chị lần lượt ra đi sau khi đã kiên trì đấu tranh bảo vệ nguồn gốc và căn tính của Hội Dòng SSK.

Cha Jaskó rất quan tâm đến tình trạng bị cô lập của các chị tại Trung Quốc, cũng như tình hình thông tin khó khăn giữa các chị với các nữ tu ở Hungary, và cha rất mong muốn các chị có thể tìm lại nguồn gốc của mình với Hội Dòng chính, nên cha đã làm mọi cách để giúp các nữ tu ở Trung Quốc nhận được trợ cấp trong việc đào tạo các nữ tu trẻ mới gia nhập rất nhiều, cũng như trong các hoạt động của các chị.

Các nữ tu chịu trách nhiệm điều hành Dòng SSK hiện nay thuộc thế hệ những người gia nhập đầu tiên sau này và hiện nay khoảng 40 tuổi. Các chị thật sự cảm thấy Hội Dòng rất đơn độc ngay từ lúc mới thành lập. Các chị chỉ nhận được sự yểm trợ duy nhất từ cha truyền giáo người Hungary thân thiết bấy lâu. Nay cha đã 97 tuổi mà vẫn tiếp tục làm cầu nối liên lạc giữa các nữ tu ở Hungary và Trung Quốc.

Chị Marie-Amélie vẫn cố gắng giữ liên lạc với các chị. Trong niềm khao khát được hiểu biết nhiều hơn về đời sống tu trì trong Hội Dòng, các chị luôn bày tỏ lòng mong muốn được giúp đỡ. Cách đây 2 năm, hai trong số các chị đã sang Việt Nam, cùng đi Đà Lạt với chị Marie-Amélie để dịch ra tiếng Hoa một phần các bản văn nói về Linh đạo các Đấng lập Dòng. Chị em chúng tôi ở HK đã dịch phần khác của bản văn này và chúng tôi cùng trao đổi các bản dịch cho nhau xem.

Cầu nối liên lạc này một khi đã được khơi mào, nên chăng cần phải duy trì chính từ HK, bởi vì hiện nay HK thuộc về Trung Hoa lục địa ? Dĩ nhiên, chúng tôi phải hết sức tế nhị vì các chị SSK thuộc Dòng mẹ ở Hungary. Cá nhân tôi nghĩ rằng, chúng tôi không chỉ dự tính nên làm những gì với các chị, mà còn phải suy tính cùng với các chị tiến hành một số việc nào đó nhằm tương trợ nhau, đến gần nhau hơn.

Nguyện xin Chúa soi sáng và hướng dẫn để chúng tôi có thể thực hiện được những gì chúng tôi đang khát khao sống hiệp thông với nhau !