Đồng Hành Với Giới Trẻ Và Hướng Tới Sự Trưởng Thành…

Tuổi trẻ còn là một phúc lành cho Giáo Hội và thế giới”

(Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 134).

Giáo hội dành cho giới trẻ một chỗ quan trọng, một sự ưu ái đặc biệt. Vì thế trong Thư Mục Vụ của HĐGMVN 10/2019 đã bày tỏ: “Các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Để thể hiện mối quan tâm này, Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 đã bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi”Từ những kinh nghiệm, suy tư và đề nghị trong Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành tông huấnChúa Kitô đang sống” (Christus vivit), trong đó ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng ta. Người là bạn của người trẻ và mong ước kết thân với họ để giúp họ sống tuổi trẻ cách sung mãn, lớn lên trong sự thánh thiện, dấn thân phục vụ xã hội và Giáo hội.”

Cùng chung những thao thức ấy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong kỳ họp tháng 10/2019 vừa qua đã quyết định chọn chủ đề Mục vụ Giới trẻ cho Giáo hội Việt Nam trong ba năm tới (2020 – 2022). Các giám mục đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành Và chủ đề năm nay “2020Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.” (Thư Mục Vụ HĐGMVN 10/2019)

Thật ra, nói đến trưởng thành, một đề tài quá lớn và có lẽ suốt đời tập luyện mà không biết sẽ đi đến đâu? vì thế mà nhà thơ Minh Đức đã nói lên thao thức của mình “Chữ nhân viết mãi vẫn run tay”. Khi đang bước vào tuổi hoàng hôn cuộc đời, tôi thấy điều này khá đúng. Đó là chỉ nói đến khía cạnh thành nhân thôi chưa nói đến sự trưởng thành tâm linh hay sự “trưởng thành toàn diện” như HĐGMVN mong muốn. Một con đường dài cần sự chung tay của nhiều giới, nhất là sự cố gắng tối đa của chính bản thân các bạn trẻ là đối tượng đang được giáo hội và các vị chủ chăn quan tâm, thao thức…

Giáo hội làm sao không lo lắng cho giới trẻ con cái mình chứ? khi mà tuổi trẻ là giai đoạn có nhiều thách đố và khủng hoảng cũng như là ngưỡng của cuộc đời. Tương lai mỗi người tùy thuộc chính yếu vào Cái “buổi ban đầu” này. Hơn nữa, ngày nay “người trẻ cũng phải đối diện với những thách thức của thời đại mới”

Phẩm chất và chuẩn mực của người trưởng thành.

Xã hội ngày nay chờ đợi gì nơi người trẻ? Chắc chắn là rất nhiều và 3 điểm nổi bật đó là: Tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn. Còn Giáo hội lại mong giới trẻlớn lên và trưởng thành theo năm khía cạnh: thể lý, tâm lý, tâm linh, văn hoá và phân định ơn gọi. (thư MV HĐGMVN 10/2019)

Giá trị của một người hay một cuộc đời tùy thuộc vào PHẨM CHẤT của CON NGƯỜI ấy, vì chính họ sống cuộc đời của mình. Nên để có một cuộc đời thành tựu và có giá trị, căn bản vẫn là xây dựng con người. Một con người trưởng thành, và theo thiển ý, điều cơ bản của người trưởng thành là người biết làm chủ bản thân, làm chủ tư tưởng, tình cảm và hành vi của mình. Xây dựng con người không phải chỉ thành công mà quan trọng hơn là thành nhân và với người Kitô hữu chúng ta phải cố gắng để thành thánh nữa.

Những người khôn ngoan nói rằng: “Tuổi trẻ không lo. Tuổi già những ngậm ngùi nuối tiếc.” Quả thật, điều này khá đúng trong nhiều trường hợp. Vậy tuổi trẻ cần “lo” gì? Thật ra cái lo không phải chỉ đến từ phía người trẻ, mà còn đến từ gia đình, cha mẹ, từ xã hội và giới trẻ còn là thao thức, ưu tư của Giáo hội nữa. Vì nói đến tuổi trẻ là nói đến hiện tại, và hiện tại chính là nền móng cho TƯƠNG LAI của họ. Giáo hội luôn xác tín rằng: “người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh Đức Giêsu Kitô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới” (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 64).

Nói cách khác, sự nghiệp, tình yêu, gia đình, lý tưởng … lệ thuộc khá nhiều vào: cách sống, thái độ sống, và cách ứng xử, nhân cách của mình, cách học, cách yêu và xử lý tình huống…Cuộc đời mỗi người được xây dựng bằng BÀN TAY, KHỐI ÓC và sự kiên trì, hết mình trong mọi việc, mọi sự và có kế hoạch ngắn hạn, dài hạn… Thật ra, tiêu chuẩn của một người trưởng thành nhiều vô kể. Trong khuôn khổ của bài này, xin chỉ nêu lên một số điểm mà theo thiển ý là điều cơ bản của một người trưởng thành. Đó là: Làm chủ bản thân, điều khiển và là tác giả đời mình – Tự trọng, trách nhiệm, sáng tạo, nắm vận mệnh đời mình…

Làm chủ bản thân là một đặc nét của người trưởng thành, biết lèo lái đời mình theo ý muốn và hướng về CHÂN THIỆN MỸ.

Nữ tu Marie-Thecla Trần Thị Giồng, CND-CSA

(Còn tiếp)