Đối Thoại Với Người Nghèo Á Châu
Liên Hiệp Hội Đồng Giám Mục Á Châu trong Hội nghị Đài Loan năm 1974đã long trọng công bố 3 sứ vụ trọng tâm của Giáo hội Á châu:
Đối thoại với các nền văn hoá Á Châu.
Đối thoại với các tôn giáo Á Châu.
Đối thoại với người nghèo Á Châu.
Từ 3 trọng điểm nầy, sau Công Đồng Vatican II một nền Thần học mới được khai sinh là “Thần học thế giới thứ ba của Đông Á” (East Asian third world Theology) trong đó chủ trương giải phóng người nghèo Á Châu được liên kết chặt chẽ với sức mạnh tổng hợp của các tôn giáo Á châu.
Luồng giáo Thần học nầy phát xuất từ Linh mục Dòng Tên Aloysius Pieris, xứ Sri Lanca, sinh năm 1934. Ngài đã nhiều năm tìm hiểu Phật giáo là tôn giáo phổ quát nhất của quê hương ngài, tìm hiểu không chỉ qua nghiên cứu giáo thuyết mà qua những năm trải nghiệm sống và thực hành Linh đạo Phật giáo trong một viện Phật học nổi tiếng của Colombo, thủ đô Sri Lanca.
Linh đạo Liên Tôn phát xuất từ nền Thần học nầy: Giáo hội Công giáo muốn đến gần, thông hiểu tôn giáo bạn, phải từ giã vị trí làm thầy, không kiếm cách để thuyết pháp và thuyết phục, mà phải khiêm tốn tiếp thu những gì tốt đẹp trong tôn giáo bạn. Giáo hội trở nên như một môn sinh tầm đạo học hỏi (Ecclesia discens) chứ không như một bậc thầy giảng dạy (Ecclesia docens). Người Công giáo phải sống hai cuộc vượt qua.
A-Vượt qua vinh dự bằng/ như Chúa Giêsu tại sông Gio-đan: Trong khi Gioan Tẩy giả tự công bố mình chỉ là người dọn đường cho Đấng Thiên Sai và không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài thì chính Đấng Thiên Sai lại yêu cầu Gioan thanh tẩy cho Ngài! Gioan từ chối, Ngài năn nỉ. Nhưng Phép Rửa vừa xong thì tầng trời mở ra,Thần khí xuất hiện tuyên bố: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,16-17) Cha Pieris kết luận: Ước gì người môn đệ Á châu của Chúa Giêsu cũng tự hạ, chìm mình trong dòng sông của các tôn giáo Á châu để rồi Chúa Thánh Thần lên tiếng nói về Đức Giêsu thay cho chúng ta.
B-Cuộc Vượt qua trên Núi Sọ: Đây là Phép Rửa thứ hai của Đức Giêsu im lặng để cho loài người lên án tử hình mà không chống đỡ, không dùng quyền phép vạn năng của mình để lý giải hành động của mình mà dùng sự yếu đuối tận căn, tự hủy, khiến kẻ đâm Ngài đã thốt lên: “Quả thật người nầy là Con Thiên Chúa.”
Cái nghèo tận cùng của Đức Giêsu đã được diễn đạt từ chiều sâu của sông Gio-đan – Cái nghèo TỰ HẠ – đến đỉnh cao của Núi Sọ – cái nghèo TỰ HỦY. Đó là cuộc hôn phối vĩ đại giữa Con Thiên Chúa và nhân loại, là mối Tình sử giao duyên giữa Thiên Chúa với người nghèo, người đau khổ, người cùng khốn. Do đó Thần học và Linh đạo Á châu là nối kết chặt chẽ hai cái nghèo lại với nhau: SỐNG NGHÈO, tự nguyện theo gương Đức Giêsu nghèo khó để giải phóng người nghèo bị bóc lột, đàn áp do bất công và tội lỗi …
Nước Thiên Chúa sẽ đến khi cái nghèo TỰ NGUYỆN (cởi bỏ của cải, quyền lực, thế giá, danh vị …) được ứng dụng để xoá bỏ cái NGHÈO ÁP ĐẶT TRÊN NGƯỜI NGHÈO dưới muôn dạng. Của cải trở nên xấu nếu mình tích trữ cho chính mình. Cơm bánh tích trữ không chia sẻ cho người thiếu thốn là tội, đem ra dâng cho Thiên Chúa qua người nghèo khổ đói khát thì trở nên thân thể của Ngài: “Tất cả những gì các con làm cho những người bé mọn nhất là làm cho chính Thầy” (Mt 25,40).
Khi người thanh niên đầy thiện chí hỏi Đức Giêsu phải làm gì để đi theo Ngài, Chúa trả lời: “Con hãy về bán hết của cải, phân phát cho người nghèo rồi đến với Thầy” (Mt 19,21). Điều kiện để theo Chúa Giêsu: hiến tất cả cái gì mình có, phân phát tất cả cho người cùng khốn là điều cốt yếu để trở nên môn đệ của Thầy Giêsu.
NHỮNG CỘNG ĐOÀN LIÊN TÔN
Từ những xác tín trên, Linh mục Pieris không những chỉ suy tư Thần học mà đưa Thần học đó nhập vào thực tại của cuộc sống. Ngài đã sáng lập những “Cộng đoàn nhân loại cơ bản” (Communautés humaines de base) hay Cộng đoàn Liên Tôn giáo mở rộng cửa, đón các tín đồ tôn giáo khác nhau nhưng muốn hợp lực về mặt tâm linh, trí tuệ cũng như vật chất để vực người nghèo lên, giúp thăng tiến phẩm giá họ về mọi mặt. Trong các cộng đoàn nầy, các phật tử, các Sư, các Tín đồ Ấn giáo, Hồi giáo, Kitô giáo tự nguyện chia sẻ mọi của cải, sống với nhau trong sự tôn trọng đức tin của nhau nhưng hoà mình trong mục đích sống đơn sơ, giản dị, bỏ chung mọi khả năng vật chất, tinh thần, trí tuệ để cùng với người nghèo cải tiến môi sinh, cùng nhau thực hiện những dự án phát triển cá nhân cũng như cộng đồng trong khu xóm, làng mạc, địa phương… Mỗi tôn giáo vừa giữ và sống nét đặc thù của mình vừa thông hiệp, giao thoa với tốn giáo bạn trong tinh thần hiệp nhất, phục vụ người nghèo, người đau khổ, bất hạnh qua những nỗ lực phát triển cộng đồng bằng y tế, giáo dục, xã hội, cải thiện nếp sống…
Vào đầu thập niên 1990, tôi gửi thư xin Cha Pieris cho vài ảnh về sinh hoạt của các Cộng đồng Liên giáo ở Sri Lanca, thì được Cha hồi âm như sau: “Các ảnh tôi chụp từ 1974 đã bị mọt gậm hết rồi. Chúa không muốn chúng tôi tự hào về công việc của mình. Vừa rồi cùng với một Thiền sư Phật giáo tôi hướng dẫn một ngày Tĩnh tâm cho một nhóm giáo viên gồm hai tín hữu Công giáo và 15 Phật tử. Chúng tôi triển khai một bản văn Phật giáo tương tự như Bài giảng trên núi của Tin Mừng: Bát Phúc:
– Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó.
– Phúc cho ai hiền lành khiêm nhượng.
– Phúc cho ai sầu khổ.
– Phúc cho ai khát khao được nên người công chính.
– Phúc cho ai biết xót thương.
– Phúc cho ai có tâm hồn trong sang.
– Phúc cho ai xây dựng hoà bình.
– Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính.
Anh em hãy vui mừng hoan hỉ vì phần thưởng dành cho anh em rất to lớn trên nước Trời (Mt 5, 2-12).
Nhà sư giảng trước, nhấn mạnh về mặt nội tâm. Giảng xong, ngài quay lại mời tôi giảng tiếp. Tôi đã nhấn mạnh về chiều kích xã hội, chúng tôi đã bổ sung cho nhau. Cuối ngày tĩnh tâm, chúng tôi đã tóm kết hai bài giảng thành một bài thơ dễ nhớ. Mọi người đều quyết tâm sống nội dung những câu thơ đó cho đến cuộc tĩnh tâm lần sau.
Chúng tôi hiện có nhiều cộng đoàn cơ bản như vậy ở Sri Lanca với nhiều hình dạng khác nhau. Đó là niềm hy vọng của chúng tôi. A.Pieris (9-9-91
Hiện nay, các Cộng đồng Liên Tôn trên đang phát triển không những ở Sri Lanca mà ở Ấn Độ và chắc là còn ở nhiều nơi khác nữa.
Tại Đông Nam Á châu, có nhiều điểm đối thoại không hẳn theo mô hình Cộng đồng cơ bản của Cha Pieris nhưng chủ yếu vẫn là đối thoại bằng hoạt động xã hội: tại Bangkok, Thái Lan, có một trung tâm chăm sóc bệnh nhân HIV do các Sư Phật giáo mở gần chùa với sự cộng tác nhiệt tình của Tu sĩ, Linh mục Công giáo, khi trở nên Tu sũ Phật giáo đã sáng lập nhiều cơ sở hỗ trợ các phụ nữ sa cơ, nuôi các trẻ mồ côivà dành một toà nhà đồ sộ để đón tiếp các Hội nghị Công giáo, quốc nội hoặc quốc tế của châu Á và Đông Á Thái Bình dương.
Nữ Tu, Mai Thành (CND)