Đối Thoại Với Giới Trẻ (phần 3) – Quan Tâm Của Giáo Hội Về Người Trẻ

Giáo hội và xã hội luôn cần người trẻ

Ngày 26 tháng 1 năm 1999 tại Trung Tâm Kiel thuộc thành phố Saint Louis, Hoa Kỳ, ĐTC Gioan Phaolo II đã có cuộc gặp gỡ rất đặc biệt với rất đông các bạn trẻ Mỹ. Trong dịp hiếm có này, Ngài đã có những lời nhắn nhủ hết sức thân tình, đầy ý nghĩa và cho chúng ta một định hướng như sau:

“Hỡi những người trẻ thân mến, chúng con vừa nghe Thánh Phaolô nói với Timôthê trong bài đọc I của Thánh Lễ như sau: “Ước gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ” (1 Tm 4, 12). Thánh Phaolô nói thế, bởi vì tuổi trẻ là một hồng ân kỳ diệu của Thiên Chúa. Đây là thời gian của những sức mạnh đặc biệt, của những cơ may và trách nhiệm đặc biệt. Chúa Kitô và Giáo Hội đang cần đến những khả năng riêng biệt của chúng con. Chúng con hãy sử dụng tốt những hồng ân mà Chúa đã ban cho chúng con…”

Trước đó khá lâu, hơn 30 năm về trước, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có sáng kiến thiết lập Ngày Quốc Tế giới trẻ. Theo đó, cứ từ 2 đến 3 năm sẽ có một cuộc quy tụ các bạn trẻ trên toàn thế giới tại một quốc gia đăng cai. Ngoài ra, hàng năm vào dịp Lễ Lá, Ngày Giới Trẻ được tổ chức ở cấp độ mỗi giáo phận. Xin thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, người yêu mến các bạn trẻ cách riêng, luôn cầu bầu cho người trẻ để họ biết dấn thân nhiệt thành trong Giáo Hội và xã hội trong vai trò sống chứng tá đích thực.

Với sự trẻ trung, nhiệt huyết và năng động, các bạn trẻ là thành phần không thể thiếu trong xã hội và Giáo Hội ở mọi nơi vào mọi thời. Ở đâu thiếu vắng người trẻ, ở đó biểu lộ sự già nua và thiếu sức sống. Đặc biệt, Giáo Hội Việt Nam may mắn có nhiều người trẻ. Rất nhiều các bạn trẻ nam cũng như nữ đã quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi để sống đời thánh hiến. Nhờ vậy, ơn gọi dâng hiến luôn dồi dào so với các nước Phương Tây già nua và đang bị báo động bởi thiếu hụt ơn gọi.

Quan tâm đến các bạn trẻ phải là ưu tiên hàng đầu của mỗi giáo phận nói riêng và của Giáo Hội Việt Nam nói chung. Sự quan tâm này không chỉ dừng lại đối với những ai dâng mình cho Chúa mà cả các bạn sống trong đời sống ơn gọi gia đình để chính các bạn này biết sống đời sống chứng tá ngay trong môi trường mình sống.

Được thừa kế nhiều gia sản quý báu của truyền thống tôn giáo và văn hoá, giới trẻ trong vùng Đông Nam Á mang trong mình nhiều đặc tính tốt và giá trị cao quý do cha ông để lại. Tuy vậy, với sự thay đổi mạnh mẽ mỗi ngày của thế giới, giới trẻ đang phải đối diện với không ít thách đố trong đời sống gia đình và xã hội, trong môi trường học hành và công việc. Chúng ta cùng nhau suy xét về những mối tương quan của giới trẻ để nhận ra những triển vọng tiềm ẩn nơi họ và những thách đố đang đặt ra với họ. Nhờ đó chúng ta sẽ tìm ra được hướng giải quyết thích đáng giúp giới trẻ vượt qua những rào cản trong cuộc sống để đến được với Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng toàn thắng sự chết và tội lỗi.

Giới trẻ và Giáo Hội

Giới trẻ luôn được nói đến như là tương lai của Giáo Hội và xã hội. Chính họ là những người sẽ đứng ra đảm nhận mọi công việc trong tương lai. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để giúp họ ý thức được điều đó? Công việc đầu tiên cần làm là phải tìm mọi cách quy tụ được giới trẻ, giúp họ học hỏi và thấy được tầm quan trọng của giáo lý và Lời Chúa; sau đó mời gọi họ cùng tham gia vào các sinh hoạt trong xứ họ đạo. Cố gắng tìm cách quan tâm đến giới trẻ bằng những việc làm cụ thể. Ngoài ra chúng ta có thể tổ chức những hoạt động ngoại khoá bổ ích như cắm trại để huấn luyện, nâng cao kỹ năng. Tổ chức những buổi giao lưu giữa các nhóm để nâng cao kinh nghiệm và đi xa hơn nữa là giao lưu giữa các quốc gia. Khi họ đã được đào tạo kỹ lưỡng, chắc chắn họ sẽ trở thành những người luôn sẵn sàng cộng tác, giúp đỡ, đoàn kết để đưa Giáo Hội đi lên. Họ sẽ có được một sự gắn kết với Giáo Hội và cảm thức mạnh mẽ được rằng mình thuộc về Giáo Hội, là thành viên của Giáo Hội và có bổn phận xây dựng Giáo Hội.

Bên cạnh đó cũng phải nhìn nhận một thực tế là tại nhiều nơi, công việc mục vụ giới trẻ chưa được nhìn nhận và quan tâm cách thích đáng. Và điều này dễ đưa người trẻ đến tình trạng xa rời Giáo Hội và đánh mất đi sự gắn bó.

Giới trẻ có thể đóng góp gì cho Giáo Hội ?

– Giới trẻ và những anh em thiếu may mắn, người nghèo. Hiện tại trong xã hội có những đoàn thanh niên tình nguyện đi mùa hè xanh để giúp các cộng đồng về nhiều mặt, như trồng cây, dọn vệ sinh, dạy kèm hoặc giúp làm nhà cho những người nghèo… Họ chính là những người hiến máu tình nguyện và đi tiên phong trong những công tác cứu trợ mỗi khi có thiên tai… Cũng có rất nhiều bạn trẻ tình nguyện giúp đỡ trong những đợt học sinh các nơi đổ về Thành phố đỉ đi thi… Đây là những gợi ý để Giáo Hội có thể tận dụng hết tiềm năng của giới trẻ. Với niềm tin và sự hướng dẫn gần gũi, hy vọng Giáo Hội chúng ta không những có thể tận dụng những tiềm năng của giới trẻ, mà còn đồng thời hướng cho họ vượt lên chính mình mà sống với tha nhân, tìm ra niềm vui trong phục vụ và ý nghĩa cho cuộc sống. “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ”.

13178019_1119220334801864_8895012077959672549_n

– Giới trẻ và Giới trẻ: Hơn ai hết, cùng là những người trẻ, họ dễ gần nhau, đồng cảm và dễ chung vai sát cánh. Dù sao thì cùng trang lứa họ cũng có những nỗi niềm vì thế dễ hiểu và giúp nhau cách thiết thực. Tuổi thanh thiếu niên thường xa dần cha mẹ, mà gần bạn bè hơn. Đây có phải là cơ hội tốt để những bạn trẻ Công Giáo chan hòa với các bạn khác, gây những tác động tốt. Họ có thể trở nên như khối men trong bột, sẽ làm dậy lên khối bột của giới trẻ ngày nay đang bị ô nhiễm. Để giúp cho công việc Phúc Âm hóa giữa giới trẻ với nhau, các vị có trách nhiệm cần ngồi lại, đối thoại và lắng nghe người trẻ. Gợi hứng cho họ đồng thời lắng nghe sáng kiến của họ. Người trẻ có nhiều ý kiến mang tính đột phá và sát sườn với các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên,”chúng ta không thể cho những điều mà mình không có”, vì thế phải giúp đào luyện họ và giúp họ biết tự đào luyện để có thể phục vụ lâu dài và phong phú. Làm sao để người trẻ như những cánh tay nối dài của  những người “cha, anh, chị…” Như thế, những người có trách nhiệm với giới trẻ phải là người rất khéo léo để tạo sự liên kết các thành phần, các giới lại gần và hợp tác với nhau: “Hợp quần gây sức mạnh” đồng thời tập cho họ thói quen cộng tác với nhau.

– Giới trẻ và các phương tiện truyền thông: Có lẽ ngày nay truyền thông là phương tiện ảnh hưởng đến nhiều người hơn bất cứ phương tiện nào, nhất là người Việt Nam và giới trẻ Việt Nam. Các phương tiện truyền thông được ví như con dao hai lưỡi, tùy theo cách chúng ta dùng nó. Nếu không biết chọn lựa, người trẻ dễ bị cuốn hút vào những gì không lành mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và đời sống tinh thần và tâm linh. Vì thế, mục vụ giới trẻ, cần lưu ý, thay vì để giới trẻ bị lôi cuốn vào văn hóa của bóng tối, chúng ta cần có những chương trình hấp dẫn và lành mạnh để thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Hiện nay, nhiều bạn trẻ rất rành về kỹ thuật, họ có thể giúp chúng ta và chắc chắn không thể bỏ qua những cuộc gặp gỡ thân tình, gần gũi và đối thoại sâu xa với họ để có thể bắt mạch được nhu cầu, ước mong, thao thức cũng như những cạm bẫy của giới trẻ, hầu có thể xây dựng những chương trình hấp dẫn và xây dựng mang tính giáo dục nhân bản và tâm linh. Phương tiện nghe nhìn vẫn luôn dễ đọng lại trong đầu óc hơn là những bài giảng, nhất là tầm phổ biến được mở rộng.

MỘT SỐ ĐIỀU CẦN QUAN TÂM KHI THỰC THI VIỆC MỤC VỤ GIỚI TRẺ

Chúng ta đã quan tâm và làm gì với giới trẻ?

Dựa trên kinh nghiệm của chính bản thân, với sự quan sát và lắng nghe cùng  tìm hiểu giới trẻ, chúng ta thử tìm xem nhu cầu của tuổi trẻ hôm nay là gì ?

Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về các lo toan, tâm tình và những mối bận tâm của họ:

– “Những gì các bạn trẻ đang lo âu?”

– “Những gì các bạn đang cảm, đang nghĩ ?”

– “Những gì các bạn cần an ủi?”

– “Những gì các bạn cần chia sẻ?”

– “Những gì các bạn cần được hiểu và cảm thông?”

– “Những gì các bạn cần được tôn trọng?”

– “Những gì các bạn cần được lắng nghe?”

– “Những gì các bạn đang ước mong và thao thức cho bản thân? cho gia đình? cho Giáo Hội?”

– “Chúa Giêsu đang chờ bạn”

– “Hãy đến với Ngài”

– “Hãy đến và cảm nhận tình Ngài”

– “Hãy nên khí cụ trong tay Ngài”

– “…???”

Trong khi thực thi sứ mạng, điều đầu tiên những người đặc trách cần làm là đối thoại với giới trẻ để có thể:

– Xác định rõ đối tượng mình phục vụ;

– Phân biệt mức độ trưởng thành của họ về đời sống đức tin;

– Xác định mức độ gắn bó của người trẻ đối với các sinh hoạt đạo đức và các hoạt động khác của xứ đạo, của nhóm hay phong trào.

– Nắm bắt được những ưu tư của người trẻ trong từng thời điểm cụ thể.

Nhờ đó họ có thể xây dựng được chương trình mục vụ cho phù hợp với từng đối tượng.

Thật ra, những kỹ năng là điều rất cần thiết, tuy nhiên, thái độ và tâm tình mới là điểm giúp gần gũi và ảnh hưởng trên người trẻ. Khi đã mến phục, ai cũng dễ nghe theo. Theo thiển ý và kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng lắm lúc người ta nghe mình không phải vì mình nói hay hoặc có lý, nhưng thường người ta nghe mình vì họ thích, họ thương mình. Vì thế yếu tố tình cảm, cảm xúc nếu biết dùng sẽ tăng hiệu quả cho những việc chúng ta làm, nhất là đối với giới trẻ.

Đối với người đặc trách giới trẻ

Không ai có thể là một người hoàn hảo hay có đủ mọi tài năng, trang bị đầy đủ rồi mới làm việc. Chúng ta đều bất toàn, nhưng chính niềm vui thích và thiện chí sẽ cho chúng ta sáng kiến và sức mạnh để học hỏi, tiếp nhận trong lúc chúng ta làm việc. Chúng ta cùng lớn lên với những năm tháng và những đối tượng mình phục vụ. Tuy vậy, để cho việc mục vụ giới trẻ gặp thuận lợi và đạt được nhiều thành quả, người đặc trách giới trẻ cần chú ý thêm những điều sau:

– Luôn có tâm hồn rộng mở và thái độ tôn trọng quý mến các bạn trẻ và những ai đến với mình.

– Cố gắng hoà đồng và tham gia tối đa các hoạt động cùng với giới trẻ; cũng chính qua những giờ giao lưu này, chúng ta khám phá nhiều mặt thật của họ hơn là trong giờ học hỏi, trao đổi.

– Tạo nhiều dịp đối thoại, lắng nghe và chia sẻ chân tình.

– Chú ý và nhất là ân cần quan tâm đến những người khó khăn thiếu thốn hay yếu kém hơn.

– Thường xuyên động viên khuyến khích, ngay khi họ có dấu hiệu tiến triển hay ít ra là thừa nhận thiện chí và cố gắng của họ; đồng thời chú ý giúp người trẻ thăng tiến về mọi mặt.

-Bao dung và rộng lượng đôi khi mang hiệu quả hơn là la mắng luật lệ khắt khe quá.

– Luôn cầu tiến, tự tìm cách học hỏi không ngừng, qua sách vở, báo chí, các khóa chuyên đề, nhất là học từ kinh nghiệm của mình cũng như của những người khác qua đối thoại, trao đổi, quan sát và lắng nghe.

– Hết lòng yêu mến giới trẻ và yêu mến Giáo Hội; cố gắng làm gương sáng cho giới trẻ trong đời sống thường ngày với việc chuyên chăm cầu nguyện và yêu mến Lời Chúa cũng như luôn sống trong niềm tin yêu, hy vọng.

– Người làm công tác mục vụ giới trẻ cần sự năng động, sáng tạo và “chịu chơi”, thích nghi…

Đối với công tác mục vụ giới trẻ

Có lẽ bất cứ công tác mục vụ nào cũng cần “đến với” thay vì chờ họ đến với mình nhất là với giới trẻ. Ngay cả Thiên Chúa khi muốn cứu chúng ta cũng tự nguyện đến với chúng ta trước. Chúng ta đều biết, tuổi trẻ là một giai đoạn đầy mâu thuẫn. Một mặt họ rất xông xáo, sáng tạo, nhưng mặt khác lại mặc cảm ngại ngùng. Đến với họ, có nghĩa là chúng ta chủ động sáng tạo để “gặp gỡ được người trẻ tại chính nơi họ đang đứng”, gặp họ ngay trong hoàn cảnh riêng để lắng nghe và nhận ra nhu cầu và tâm tình thật của họ. Có như thế chúng ta mới có thể:

– Đáp ứng được mong muốn của từng nhóm người trẻ khác nhau;

– Đưa ra được một chương trình mục vụ phù hợp với từng người hay từng nhóm đối tượng, đồng thời thích ứng với sự thay đổi vào từng thời điểm;

– Hướng dẫn người trẻ đến gặp gỡ Đức Giêsu để được Người dạy dỗ và biến đổi;

– Gây động lực để người trẻ khát khao tìm Chúa và hăng say loan truyền Tin Mừng của Ngài cho anh em;

– Từng bước giúp người trẻ tiến đến một sự biến đổi nội tâm sâu xa và bền bỉ, hoán cải tận căn, trở về với Thiên Chúa là Đấng yêu thương chúng ta;

– Giúp người trẻ tiến bước trên hành trình xây dựng con người mới dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và phù hợp với đường lối của Giáo Hội;

– Giúp người trẻ ý thức xây dựng Nước Trời ngay tại trần gian này;

13267986_1128828663841031_9098512167273087499_n

 

KẾT LUẬN

Cũng trong dịp gặp gỡ giới trẻ năm 1999 với giới trẻ Mỹ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn nhắc nhở các bạn trẻ và cả chúng ta, những thế hệ đi trước đừng quên:

Giới trẻ không chỉ là tương lai
mà còn phải là hiện tại của Giáo Hội

Ước mong Giáo Hội kịp thời dùng ngay những nén vàng của tuổi trẻ vào việc Phục vụ Giáo Hội và xã hội. Thời gian không chờ đợi ai hết, tuổi trẻ mau qua, vì thế các vị có trách nhiệm với giới trẻ xin “vội vàng” lên kẻo …

“Mau với chứ, vội vàng lên chứ !”

Có lẽ chúng ta không vội hưởng tình yêu của tuổi trẻ như Xuân Diệu, nhưng là là sống trọn vẹn sức sống và dùng hết năng lực của tuổi xuân chứ không chờ …

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân

Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua

Hãy tận dụng hết và trọn vẹn để rồi không nuối tiếc. Những thứ khác mất đi còn lấy lại như sức khỏe, tiền bạc, kể cả tình yêu nhưng thời gian thì không. Đòi hỏi của thời gian quá khắc nghiệt. Thời gian mất đi là không thể nào lấy lại, vĩnh viễn mất, vì thế mà Xuân Diệu nao lòng than thở, níu kéo…

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Nhưng làm sao cưỡng lại luật của đất trời? Xuân Diệu nhắc ta sống tự giác và tích cực, sống với niềm khao khát phát huy hết giá trị bản thân, tận hiến cho cuộc đời và cũng là một cách tận hưởng cuộc đời…

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;

Phải, cuộc đời thật quý giá. Tuổi trẻ không phải để sống cho tương lai mà là cho hiện tại. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ý thức hơn ai hết về điều này, nên ngài tha thiết nhấn mạnh nhiều lần với giới trẻ là sống hết mình, sống với Chúa bây giờ với tinh thần phục vụ Ngài và Giáo hội của Ngài và cũng là của chúng ta.

Đây là thời gian chúng con luyện tập, thời gian để chúng con phát triển mình trên đàng thiêng liêng, tình cảm, trí thức và thể xác. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng con dời lại cuộc gặ̣p gỡ của chúng con với Chúa Kitô và hoãn lại cuộc tham dự của chúng con vào sứ mạng của Giáo Hội. Dù chúng con còn trẻ, nhưng đây cũng là thời gian để hành động. Chúa Giêsu đã không coi thường tuổi trẻ chúng con. Ngài không đặt chúng con ra một bên để chờ cho đến lúc chúng con trở nên lớn tuổi và việc luyện tập của chúng con đã xong. Việc luyện tập của chúng con sẽ không bao giờ xong. Người Kitô hữu cần rèn luyện mãi mãi. Chúng con hãy sẵn sàng cho điều mà Chúa Kitô muốn nơi chúng con ngay bây giờ. Ngài mong ước sao cho tất cả chúng con trở thành ánh sáng của thế gian, như thể chỉ có những người trẻ chúng con mới có thể làm được như vậy. Đây là lúc làm cho ánh sáng của chúng con được chiếu tỏa“.

Xin Thánh Thần Chúa là Đấng Sáng Tạo giúp chúng con tìm ra con đường để đối thoại, lắng nghe giới trẻ, hầu có thế mau chóng tìm ra phương thế và thời điểm thích hợp để nâng cao và gìn giữ sức sống của giới trẻ và của Giáo Hội. Xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 chúc phúc cho những ai đang cùng mang cùng một nỗi thao thức chung với ngài : Tương lai của giới trẻ và Giáo Hội.

Nt. Marie Thécla Trần Thị Giồng, CND-CSA