Đối Thoại Với Giới Trẻ (phần 2) – Đối Thoại Cùng Người Trẻ
ĐỐI THOẠI LÀ GÌ?
Đối thoại là “nói chuyện qua lại trực tiếp giữa hai người hoặc nhiều người.” Nói chuyện với những mục đích rõ ràng khác nhau, nhưng đối thoại tựu trung là để hiểu nhau hơn, để nối kết sự giao hảo hoặc để mang lại lợi ích cho nhau.
Đối thoại cũng cần phải có những điều kiện cần thiết:
– Phải cùng ngôn ngữ, ngay cả ngôn ngữ cử điệu cũng phải cùng hệ.
– Cả hai bên phải có thiện chí. Không thể có đối thoại giữa chiên và sói, giữa ánh sáng và bóng tối…. Khi một bên có thiện chí biết bên kia không có thiện chí mà vẫn kêu gọi đối thoại thì có nguy cơ đối thoại biến thành sự ép buộc.
– “Phải coi luật luân lý phổ quát, được khắc ghi trong tâm hồn con người, là luật hữu hiệu và không thể xoá bỏ như một biểu hiện sống động của lương tri được chia sẻ của nhân loại, một “quy tắc thành văn” để chúng ta dựa vào đó mà xây dựng tương lai thế giới” (ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi ĐHĐ LHQ kỳ họp thứ 50). Sẽ là ảo tưởng khi muốn đối thoại với những con người chà đạp luật luân lý, luôn đặt nền tảng trên sự giả dối, kết án và bạo lực.
Tóm lại: Đối thoại là cần thiết, là ngôn ngữ đặc trưng của loài người. Đối thoại để nâng cao phẩm giá con người là điều hợp tình, hợp lý cần phải thực hiện trên mọi lãnh vực.
Đối thoại là một cách thế rao giảng Tin Mừng
Tuyên ngôn Dominus Jesus xác định: “Đối thoại chắc chắn không thể thay thế, nhưng đúng hơn, đi kèm theo sứ vụ truyền giáo, hướng về ‘mầu nhiệm hiệp nhất’ từ đó mà tất cả được cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô, nhờ Thần Khí của Người.”
Đối thoại bằng sự sống và con tim
Đối với tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi nền văn hóa và mọi tôn giáo, đối thoại là yêu thương và tôn trọng sự sống. Một nền văn hóa tình thương có sức mạnh vượt qua những giới hạn của ngôn ngữ, văn hóa và phong tục. Không có yêu thương thực sự thì sẽ không có đối thoại, và đối thoại khi đó sẽ trở thành đối đầu, dè chừng nhau.
Đức Gioan Phaolô II luôn ưu tư đẩy mạnh nền văn hóa tình thương, nền văn hóa sự sống cho nhân loại đẩy lùi nền văn hóa của sự chết, của hận thù, bạo lực… “Tất cả những điều này, chúng tôi viết cho anh em, để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn” (1Ga 1,4). Chúng ta sẽ không thể ở trong niềm vui đầy đủ nếu chúng ta không thông truyền Tin Mừng này cho những người khác mà chỉ giữ cho mình. Nhưng chúng ta cần đối thoại trong tinh thần cởi mở, khiêm tốn, những người đối thoại có thể bắt tay nhau, lắng nghe nhau, tôn trọng nhau trong những mối khác biệt và cùng nhau truy tìm chân lý.
Vì việc đối thoại đi đôi với việc rao giảng Tin Mừng, hai công việc này thường không dễ dàng ăn khớp với nhau, nên việc rao giảng Tin Mừng tốt hơn vẫn qua nẻo đường:
Sống đức tin như một chứng tá
Đức Gioan Phaolô II thường nhắc nhở chúng ta, thời đại này người ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Kinh nghiệm của cha ông cũng cho chúng ta thấy rõ điều đó: “Lời nói thoảng qua, gương lành lôi cuốn.” Cộng đồng Kitô hữu càng đâm rễ sâu trong kinh nghiệm về Thiên Chúa, phát xuất từ một đức tin sống động, một lòng mến dồi dào, thì tự đời sống đó đã có sức mạnh như một lời giảng. Thiết nghĩ, việc đối thoại đi kèm với một đời sống chứng tá là một cách thế rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo ngày nay.
Giáo Hội thời nào cũng phải tìm cách thi hành lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” Nội dung loan báo Tin Mừng thời nào cũng như nhau, nhưng cách thế thì khác nhau; và có lẽ trong thiên niên kỷ thứ ba này, cách thế rao giảng Tin Mừng phải đi qua nẻo đường của đối thoại, việc đối thoại này bắt nguồn sâu xa từ cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa mong ước con người đáp trả lời mời gọi yêu thương của Ngài và Ngài ban cho họ ân huệ tuyệt vời là sự sống.
Những người rao giảng Tin Mừng, những người làm công tác đối thoại phải là những người Kitô hữu trưởng thành và xác tín, phải rất cương quyết và cũng rất mềm dẻo trong thái độ khiêm tốn và chân thành.
Đối thoại với giới trẻ
Hơn bao giờ hết, giới trẻ ngày nay cần sự đối thoại, họ dễ dàng cởi mở và mong được chia sẻ cũng như được lắng nghe. Chính qua sự đối thoại, với đặc nét quảng đại và nhiệt tình của tuổi trẻ chúng ta tạo điều kiện để họ cống hiến. Bên cạnh đó:
– Đối thoại là để lắng nghe và biết được các vấn đề mà các bạn trẻ đang quan tâm hầu có thể giải đáp nhiều thắc mắc của họ.
– Đối thoại là lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giới trẻ để tìm ra cách hướng dẫn và giáo dục thích hợp.
– Đối thoại còn là tạo cơ hội cho các bạn trẻ có năng lực phát huy khả năng cống hiến của mình
– Đối thoại để giúp người trẻ tìm cho được niềm đam mê và dành cả cuộc sống của mình để theo đuổi nó.
– Đối thoại là giúp thế hệ trẻ ý thức, suy tư để phát triển tốt hơn, nhanh hơn, và toàn diện hơn.
– Đối thoại là khơi dậy cũng như giúp thế hệ trẻ xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Giáo Hội.
– Đối thoại để có thể động viên giới trẻ cần cố gắng học tập, vượt khó, đừng vì lo toan cá nhân mà quên lợi ích của người khác, của Giáo Hội…
– Đối thoại còn giúp mở đường cho giới trẻ cộng tác với Giáo Hội trong việc phục vụ dân Chúa, nhất là những người cùng thời.
– …
NHỮNG YẾU TỐ GIÚP ĐỐI THOẠI HỮU HIỆU
Thiết nghĩ, đối thoại thành công nhất là khi nó đánh động đến trái tim của người nghe. Có lẽ câu chuyện sau đây sẽ minh chứng về điều này:
Bài Giảng Biết Đi
Một buổi chiều của năm 1953, các ký giả và một số nhân viên chính phủ tập trung tại một nhà ga xe lửa ở Chicago, Hoa Kỳ để chào đón người được giải thưởng Nobel Hoà Bình 1952.
Người vừa xuống khỏi xe lửa là một người đàn ông to lớn, tóc ngắn và mang một chòm râu cắt gọn ghẽ. Các máy ảnh chớp liên hồi. Các nhân vật cao cấp của thành phố dang rộng tay để đón chào vị thượng khách.
Người được giải Nobel Hoà Bình cám ơn mọi người rồi bỗng đưa mắt nhìn vào một chỗ nào đó trên sân ga. Ông xin kiếu vài phút để đi thẳng về hướng ấy. Mọi người đều tưởng ông đã để quên một hành lý nào chăng.
Ông băng qua đám đông đi thẳng tới một người đàn bà có tuổi đang khệ nệ với hai va li nặng. Ông giơ tay đỡ lấy một chiếc va li, mỉm cười với bà rồi dẫn bà ra một chiếc xe buýt gần đó. Khi giúp người đàn bà lên xe, ông không quên chúc bà thượng lộ bình an. Quay lại với đám đông đang chờ đợi, ông nói : “Xin lỗi quí vị vì đã bắt quí vị chờ”.
Người được giải Nobel Hoà Bình năm ấy, không ai khác hơn là Bác sĩ Albert Schweitzer, nhà truyền giáo nổi tiếng đã hy sinh cả cuộc đời cho những người nghèo tại Phi Châu [ Gabon]. Chứng kiến cử chỉ của ông, một người trong ban tổ chức đón tiếp ông hôm đó, đã nói với các ký giả: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bài giảng biết đi”.
Lời của Thiên Chúa luôn được thể hiện bằng hành động.
Lời Ngài nói ra liền có trời đất muôn vật, Thiên Chúa không chỉ nói yêu thương con người bằng những lời nói suông.
Lời nói yêu thương cửa Ngài đã hoá thành nhục thể để chia sẻ toàn vẹn thân phận con người. Và cuối cùng, có lẽ không còn ngôn ngữ nào diễn tả được tất cả tình yêu của Ngài đối với con người, nên lời yêu thương ấy đã âm thầm đón nhận cái chết trên thập giá. (Sưu tầm)
QUAN TÂM, LẮNG NGHE NỖI NIỀM CỦA NGƯỜI TRẺ
“Lắng nghe để hiểu,
nhìn lại để thương”
Thượng Đế chỉ cho chúng ta một cái miệng để nói nhưng hai cái tai để lắng nghe.
Lắng nghe không phải là bản năng mà là một nghệ thuật, một kỹ năng cần được rèn luyện lâu dài. Sự khôn ngoan là phần thưởng của người biết lắng nghe. Thế nhưng, trong giao tiếp với nhau, chúng ta thường tranh nhau để thể hiện mình qua lời nói, nhưng lại rất hiếm người tranh nhau lắng nghe.
Lắng nghe là một yếu tố tối cần giúp con người tạo dựng được mối quan hệ bền lâu và êm đềm. Biết lắng nghe giúp chúng ta tìm ra sở thích, mong muốn, nhu cầu và tâm tình của người khác. Vì vậy có thể xem nói là gieo, nghe là gặt. Khi ta lắng nghe những người khác, chúng ta cho họ thấy rằng những gì họ nói là quan trọng. Như thế, chúng ta đã khơi dậy lòng tự tin và tự trọng nơi họ. Dù những lời họ nói không giúp được cho ta, nhưng chắc chắn sẽ luôn có ích cho họ, vì giống như loài hoa nở rộ dưới ánh dương, người ta cũng bộc lộ và tăng trưởng khi mở lòng mình ra với những ai có đôi tai biết lắng nghe.
Bằng việc lắng nghe những người khác, chúng ta biết phải làm gì và nên tránh làm gì. Đồng thời giúp ta phát triển những mối quan hệ. Khi nghe bày tỏ, họ sẽ nói cho chúng ta biết họ cảm nhận, suy nghĩ và đã làm những gì. Lắng nghe còn là một cơ hội để an ủi, trấn an, và động viên những người khác.
Dù đã biết có rất nhiều lợi ích khi lắng nghe. Nhưng lắng nghe vẫn luôn là vấn đề khó. Tại sao ? Có lẽ vật cản rõ nhất chính là CÁI TÔI của mình. Rất nhiều khi chúng ta giả vờ như đang lắng nghe trong khi tâm trí đang theo dõi một ý tưởng khác, nhớ đến một sự kiện đã qua, hay suy diễn những gì đang nghe được, có khi suy nghĩ tìm lời giải đáp… Không ít khi chúng ta thiếu kiên nhẫn nên không nghe đến cùng, mà cắt ngang người đang nói và thêm vào ý nghĩ của mình.
Lắng nghe như thế nào?
Trước hết, vứt bỏ cái tôi của mình. Nhìn người đối thoại và tập trung vào những gì người ấy đang nói. Tự hỏi xem mình có thể hiểu được gì và cả hai người có được lợi ích gì từ cuộc đối thoại. Tiếp đến, hãy nhận thức các ý tưởng, kinh nghiệm, và thái độ của chính chúng ta. Nghĩa là thử xem chúng ta đang lắng nghe một cách khách quan, hay đang uốn nắn lời của người nói bằng sự suy diễn của mình. Để tránh bóp méo sự kiện và hiểu sai người đối thoại, có những lúc nên dừng cuộc nói chuyện và xác minh xem mình có hiểu đúng không.
Ngoài ra, để có được nhiều lợi ích nhất từ cuộc đối thoại, cần cố gắng đặt mình vào vị trí người nói trước khi mình thực sự mở lời. Cố gắng cảm nhận những cảm xúc của người nói và hiểu tại sao những gì đang được nói ra lại quan trọng đối với người ấy. Như vậy, chúng ta sẽ có thể làm tăng thêm nhiều trải nghiệm và sự hiều biết của mình. Nhất là nghe chăm chú sẽ kích thích người nói trải lòng ra.
Việc lắng nghe người khác với thái độ chăm chú, tập trung chứng tỏ chúng ta đang tôn trọng người nói. Khi chú ý lắng nghe hết lòng, chúng ta dễ hiểu và đồng cảm với người nói, đây là cách khơi lên niềm tin của họ vào mình và như thế họ sẽ không ngại mở lòng để chia sẻ.
Lắng nghe người khác một cách cẩn thận, không chỉ chúng ta giúp người khác nhẹ lòng và tìm ra hướng giải quyết vấn đề. Vì thế, việc lắng nghe không phải chỉ đơn thuần là những cái gật đầu cho có, rồi vội vàng đưa ra lời khuyên hay góp ý, nhưng nhiều lúc chưa phù hợp với mong muốn của người đang chia sẻ. Cần ý thức rằng câu chuyện mà chúng ta đang được người khác chia sẻ vô cùng quan trọng để hiểu vấn đề và con người của người đối thoại. Cần cố gắng để không một chi tiết nào bị bỏ qua. Vậy bằng cách lắng nghe với cả tâm trí, với hiểu biết và cảm thông, yêu thương là chúng ta đã tạo được mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.
Để khuyến khích người nói mở lòng hơn. Chúng ta cần chú ý nhiều tới những gì không được nói hoặc những gì đang được nói với cảm xúc và ngôn ngữ của cơ thể. Khi lắng nghe với sự đồng cảm là chúng ta tạo động lực và thúc đẩy người khác nói và hành động.
Lắng nghe phải xuất phát từ con tim của mình, làm sao để chứng tỏ là mình thực sự quan tâm đến điều mà người khác nói. Đừng để lời nói gió bay mà hãy để cho người nói thấy rằng những điều họ nói làm mình rất hứng thú và đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện qua đôi mắt, thái độ của chúng ta. Đây là loại giao tiếp không lời nhưng lại vô cùng quan trọng. Nó dễ dàng đi sâu vào tâm lòng của người nghe hơn là chúng ta tưởng nhiều.
Đối với giới trẻ. Họ chưa biết hay chưa quen diễn tả, vì thế chúng ta cần tạo bầu khí thân thiện, gần gũi, để họ thoải mái bày tỏ nỗi lòng. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể đặt những câu hỏi khơi gợi cho họ nói. Đối thoại là một nghệ thuật. Điều quan trọng không hẳn là nội dung chúng ta sẽ nói nhưng là khả năng hiểu người khác. Người biết lắng nghe phải tạo cho người đối diện cảm giác họ thật sự bị lôi cuốn, được hiểu nhờ thái độ quan tâm của chúng ta.
Cuộc sống của thế giới teen – thế giới thanh niên, sinh viên đều rất hấp dẫn. Hấp dẫn bởi sự trẻ trung, dễ thương và đáng yêu, nhưng nhiều bạn trẻ chưa hiểu được chính mình, nhiều sinh viên không biết mình muốn gì và nên làm gì, nhiều bậc phụ huynh và cả những nhà giáo dục cũng băn khoăn và thậm chí lo lắng khi đối diện với giới trẻ. Thật ra, nếu lắng nghe lẫn nhau, điều chỉnh mỗi người một chút thì có lẽ mọi sự sẽ xảy ra nhẹ nhàng và giải pháp sẽ không xa.
Biết cách lắng nghe sẽ mang đến những lợi ích thiết thực:
– Xây dựng mối quan hệ thân thiện với mọi người.
– Thể hiện sự quan tâm, tôn trọng.
– Đồng cảm với những khó khăn của người nói.
– Hiểu và đưa ra những câu trả lời hoặc ý kiến tư vấn hợp lý.
– Nhận ra những ẩn ý của người nói.
– Nắm rõ nội dung thông tin qua đó nhận ra trách nhiệm vai trò của mình trong vấn đề đang thảo luận, đang giải quyết.
Khi lắng nghe, không những người được nghe có lợi, nhưng người nghe cũng nhận được nhiều bài học hay.
– Ta học khôn hay học kinh nghiệm từ người nói.
– Chân thành nghe họ nói tức giúp cho họ có niềm vui hay sự giải tỏa vì được bày tỏ, còn người nghe được niềm vui chia sẻ nỗi lòng.
– Giúp cho ai được điều gì, chắc chắn chúng ta cũng cảm thấy có một niềm vui. “chính khi hiến thân là khi nhận lãnh”
– Tuyệt vời nhất là chúng ta đã gây được mối thiện cảm đối với họ. Và đời này có gì quan trọng hơn thiện cảm? Người ta hy sinh cho nhau, giúp đỡ nhau là nhờ ở thiện cảm đó!
Xin mượn lời của bài thơ sau đây để tóm về ý nghĩa của lắng nghe.
LẮNG NGHE
Lắng nghe là hành động của tình yêu
là hành động quan tâm
là cam kết của chính bản thân chúng ta đối với người khác.
Chúng ta nên lắng nghe với mọi giác quan – nghĩa là một cách nhạy bén –
nếu chúng ta tham gia một cách có trách nhiệm và tôn trọng bí mật của người khác.
Lắng nghe không phải là hoạt động một chiều.
Người kia cầu cứu chúng ta, bằng mọi cách.
Người ấy muốn được lắng nghe,
vì được lắng nghe tức là được hiểu,
và được hiểu là sống.
Lắng nghe phải luôn luôn hai chiều:
Người nói tôn trọng người nghe,
bằng cách nói ý nghĩ cách rõ ràng và chân thành.
Còn người nghe tôn trọng người nói,
bằng cách chú ý hoàn toàn vào điều người kia muốn nói.
Chính trong việc lắng nghe mà chúng ta có năng lực
để làm tăng hay giảm
cuộc sống và ý nghĩa
của những người có quan hệ với chúng ta.
Reuel L. Howe (trích theo cuốn “Bàn Tay Giúp Đỡ” của Anthony Yeo)
Nt. Marie Thécla Trần Thị Giồng, CND-CSA
Đón đọc phần 3: Quan tâm của Giáo Hội về người trẻ