Đối Thoại Với Giới Trẻ (phần 1)
Mở đầu
Sự việc hàng chục ngàn người trẻ Sài Gòn đến với dạ hội âm nhạc SoundFest ở sân đua ngựa Phú Thọ để la – hét – khóc – cười với những ngôi sao ca nhạc kéo dài suốt chín giờ liền,… giới trẻ Việt mê mệt thần tượng đến mức ngất xỉu trong nhạc hội (Tuổi Trẻ ngày 15-4-2012) đã khiến không biết bao nhiêu người sửng sốt và tự hỏi đâu là nguyên nhân? Phải chăng giới trẻ đầy sức sống, nhiều hoài bão, khát vọng,… nhưng thực tế chưa có gì đáp ứng hay chưa có mấy ai giúp họ tìm ra ý nghĩa cuộc sống và con đường dấn thân, nên họ dồn nhiều tâm lực vào những sinh hoạt thiếu lành mạnh và thần tượng, hầu có thể lấp đầy sự trống trải, nhịp sống buồn tẻ cứ lặp đi lặp lại như một thứ thời khoá biểu cứng ngắc. Họ sống thiếu vắng sự cảm thông, chia sẻ và lắng nghe. Người trẻ có nhu cầu “bắt chước”, noi gương ai đó, đặc biệt những người trẻ, đẹp, ở lứa tuổi gần với mình. Họ cần các cuộc gặp gỡ, giao lưu để phát triển mối quan hệ xã hội, có thêm bạn bè, cũng như để theo kịp trào lưu. Bạn bè ai cũng có thần tượng nên mình cũng phải vậy !
Mặt khác, có thể nói, một trong những cái bi đát của người trẻ Việt Nam là họ thường rất ít được lắng nghe, từ trong gia đình, nhà trường, trong xã hội và cả Giáo Hội. Điều họ nhận được hầu như toàn là “lời giáo huấn, mệnh lệnh: phải, phải, nên, nên…” chứ không mấy khi họ có được những cuộc “đối thoại” hoặc được lắng nghe thật sự.
Đứng trước những “hiện tượng” của giới trẻ, Giáo Hội cảm thấy nao lòng và luôn thao thức: làm sao đến gần, lắng nghe, đối thoại hầu có thể đồng hành với họ trong giai đoạn dù ngắn ngủi nhưng có thể để để lại nhiều dấu ấn trên cuộc đời mỗi người. Vì thế, trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II bày tỏ: “Tôi phải khẳng định lại rằng, từ đáy lòng, người trẻ tìm kiếm Thiên Chúa, tìm một ý nghĩa cho cuộc đời và tìm câu trả lời đích thực cho câu hỏi: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?”. Trong cuộc tìm kiếm này, người trẻ nhất định sẽ gặp Hội Thánh. Và Hội Thánh cũng sẽ gặp người trẻ. Chỉ cần Hội Thánh thấu hiểu những khát vọng đích thực của họ. Còn các bạn trẻ cũng cần làm quen với Hội Thánh và khám phá ra Chúa Kitô trong Hội Thánh”.
Bên cạnh đó. trong thư mục vụ 1992, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng nhắc lại lời của Đức Thánh Cha: “Hội Thánh có nhiều điều để nói với người trẻ và người trẻ cũng có nhiều điều để nói với Hội Thánh. Cuộc đối thoại song phương này mà ta phải tiến hành với tất cả thân tình, trong sáng, can đảm sẽ hỗ trợ cho sự gặp gỡ và trao đổi giữa các thế hệ, cuộc đối thoại này cũng sẽ là nguồn phong phú và trẻ trung cho Hội Thánh và cho xã hội” (KTH 46), Ngài còn nhắn nhủ thêm: “Phải có một nỗ lực đối thoại với người trẻ… (Và) để đối thoại, phải lắng nghe và tôn trọng những nhạy bén của tuổi trẻ, hãy để cho giới trẻ có cơ hội đóng góp vì tương lai là của họ.”
Riêng bản thân người viết, song song với đời tu của mình là một đời làm cô giáo, nhất là hơn 20 năm qua, được luôn sát cánh với giới trẻ sinh viên, tôi vẫn luôn đặt nhiều kỳ vọng nơi họ, và rất tâm đắc với lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II. Mặt khác, nhận xét của Lưu Dung, một ông bố và đồng thời cũng là nhà giáo về giới trẻ cũng đáng cho chúng ta quan tâm: “Đợt sóng sau đẩy lùi đợt sóng trước. Đừng xem thường nghé con. Chúng không sợ cọp, lớp trẻ dũng cảm, dám nghĩ, dám làm.”
Sức mạnh nào khiến “anh hùng xuất thiếu niên” như thế ?
“Vì họ tuy không có công lực hơn người, nhưng có tinh lực hơn người, không có học vấn đầy đủ, nhưng có lòng can đảm đáng phục, không có kế hoạch tính toán kỹ lưỡng, nhưng có óc sáng tạo tưởng tượng phi phàm. Điều quan trọng là họ không có những trở ngại tâm lý nặng nề do kinh nghiệm sống… họ có thể buông thả trí tưởng tượng của mình mà không hề bị trói buộc bởi danh tiếng …” (Lưu Dung)
Phải, đó là một nhận xét rất đúng đắn, và điều giới trẻ cần hơn cả chính là sự đồng hành, hướng dẫn. Họ cần được hiểu, được quan tâm qua việc lắng nghe và đối thoại. Phải, tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và sức sống, dám dấn thân hết mình khi xác tín điều đó có ý nghĩa và lợi ích cho mình hay cho người khác. Tuy nhiên, có khi đó là lửa rơm và hơn nữa, vấn đề mà bao người ưu tư, là làm sao để giúp người trẻ biền biệt được đâu là lợi ích thật, và đâu là cái bóng của hạnh phúc ? Vì đồ dỏm thường sặc sỡ và thoạt trông hấp dẫn, mọc mời hơn thứ chính hiệu, nên tôi vẫn lo cho những chồi non dễ bị tổn thương.
Tuổi trẻ quảng đại, sẵn sàng hy sinh và cho đi thì giờ, sức lực của mình, nếu hướng dẫn đúng, đây là một tiềm năng cho xã hội và Giáo Hội. Họ là nguồn lực cho những dự phóng mới, nhưng cũng dễ bị bốc hơi nếu dùng không đúng chỗ.
Tiềm năng, sự sáng tạo và sức sống … có sẵn một cách dồi dào, nhưng để dùng nó như một năng lực phục vụ cho cuộc sống, các bạn trẻ cần vượt qua một số trở ngại, mặt trái của những giá trị mình đang có.
Khi đời sống vật chất phát triển, nhưng dường như một số bạn trẻ thiếu lý tưởng, thiếu mục tiêu và hướng sống cho tương lai. Đáng tiếc vì:
“Một trái tim không lý tưởng là bầu trời không trăng sao” (Gaston Dutil)
Con người vượt xa các thụ tạo khác nhờ có đời sống tâm linh. Đây là lực giúp chúng ta vượt qua nghịch cảnh và tạo cho chúng một ý nghĩa. Cái dệt nên cuộc đời chúng ta hôm nay và ngày mai không phải là hoàn cảnh, mà là ý nghĩa mà chúng ta gán cho những hoàn cảnh mình đã và đang trải qua. Chính cái ý nghĩa do niềm tin mà chúng ta gán cho hoàn cảnh, sẽ tạo ra sự khác biệt giữa thái độ và quan điểm sống cùng giá trị của mỗi cuộc đời.
Thực tế đã chứng minh rằng, niềm tin ảnh hưởng đến hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể, có nghĩa là chúng ảnh hưởng đến tinh thần, sức khoẻ và định hướng cho hành vi. Cuộc sống mỗi người sẽ quân bình hơn khi cố gắng tìm cách để mở mang trí tuệ, và đồng thời chúng ta cũng cần quan tâm đến việc khai mở tâm hồn, hai yếu tố này luôn song hành.
Điều quan trọng của cuộc đời có lẽ không phải là thành công, sung sướng, đầy đủ… cho bằng ý nghĩa. Phải, cuộc đời sẽ có ý nghĩa biết bao khi tâm hồn luôn tìm hướng về Chân Thiện Mỹ.
Cuộc đời là một cuộc đầu tư, là một cuộc chiến, và chiến thắng dành cho nhưng ai bền chí, thắng vượt bản thân và thắng vượt nghịch cảnh. Cuộc sống đầy dẫy sự chọn lựa, và có bao nhiêu cuộc lựa chọn lớn nhỏ trong ngày, trong tuần và trong năm… Trước mỗi chọn lựa, chúng ta sẽ có một cuộc “đấu tranh tư tưởng” nhiều hay ít còn tuỳ vấn đề. Nhưng để chọn điều lành, điều hay, điều tốt luôn kèm theo một đòi hỏi, một cái giá phải trả… nhiều bạn trẻ đã thua cuộc ngay trong những điều nhỏ nhặt tầm thường, để rồi điều có giá trị nhất của mình là chính cuộc đời cũng bị đánh mất.
Giáo Hội, các vị chủ chăn và những tín hữu đàn anh/chị cần bắt tay vào càng sớm, càng sâu càng tốt để có thể làm dậy lên khối bột đầy tiềm năng và cũng đầy nguy cơ : GIỚI TRẺ.
Nt. Marie Thécla Trần Thị Giồng
Dòng Đức Bà