ĐỊNH HƯỚNG CHO THỜI ĐẠI CHÚNG TA
Thời đại chúng ta có những khám phá mới kéo theo một số câu hỏi và đòi hỏi bức xúc liên quan đến nữ giới. Vậy chúng ta phải đối chiếu tiếng gọi của người thời đại hôm nay với hướng nhìn của lời Kinh Thánh.
Để làm việc đó, cần nhận thấy những điểm tựa, những điểm mấu chốt trên con đường mình đi, và tìm ra cho mình một cung cách vừa riêng biệt vừa thích hợp cho việc góp phần của nữ giới chúng ta vào cuộc sống của xã hội loài người hôm nay.
A) Các điểm tựa
Trước hết, chúng ta cần dành cho các thơ thánh Phao-lô một nghiên cứu đặc biệt, vì thời gian biên soạn tương đối ngắn (không quá hai mươi năm), khá đồng nhất nên dễ tra cứu, đồng thời lại trùng hợp với thời gian phát triển các cộng đoàn Ki-tô giáo đầu tiên, đầy sinh lực và sáng tạo. Đàng khác, vì các thơ ấy lại tuỳ thuộc bối cảnh văn hoá lịch sử đặc biệt của thời đó, của các vùng đó, nên cần sàn lọc và đưa ra một số tiêu chuẩn phải theo như sau :
1/ Bám vào các trục chính trong giáo huấn của thánh Phao-lô.
Thật ra, ở nhiều nơi, thánh Phao-lô nói ngược lại với chính mình, và tuỳ trường hợp, ngài lý luận rồi phản lý luận một cách rất tài tình. Rõ ràng là ngài nói xong thì sửa lại, làm cho các lời nói trước uyển chuyển hơn, bớt góc cạnh đi, thích hợp hơn với hoàn cảnh mới. Ngoài ra, một số câu “yếm nữ” ngày càng có vẻ khả nghi về mặt phê bình văn chương : các câu ấy không phải là của ngài thốt ra. Do đó, ở nhiều câu, hiểu sát chữ là hiểu sai.
* Trục chính thứ nhất là câu “Không còn chuyện phân biệt đàn ông hay đàn bà” (Gl 3,28), vì lời khẳng định này nằm trong hướng nhìn quy Ki-tô trên tạo thành mới, trong đó những quan hệ thống trị nhau bị bãi bỏ, không còn ai giành quyền thống trị ai nữa, và quyền tự do của mỗi người trong Đức Ki-tô làm cho Lề Luật hoá ra vô hiệu. Nhưng trong thực tế, trục tư tưởng này không phải được áp dụng một cách phi thời gian. Chính bản thân thánh Phao-lô đã phải thích nghi theo hoàn cảnh. Ví dụ ngài từ chối cắt bì cho Ti-tô nhưng lại cắt bì cho Ti-mô-thê. Xã hội nào cũng có những ràng buộc của nó. Điều quan trọng là nhận định các trường hợp khác nhau, và lượng giá theo một quy tắc bằng vàng mà thánh nhân đã đưa ra – và đây là trục chính thứ hai trong tư tưởng của ngài.
Trục chính thứ hai là câu “Được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có tính cách xây dựng” (1 Cr 10,23). Chính để theo nguyên tắc này mà ngài đã trở thành Hy-lạp với người Hy-lạp, Do-thái với người Do-thái. Nguyên tắc này cũng được áp dụng để giải quyết vấn đề ăn hay không ăn thịt cúng, tuỳ hoàn cảnh. Chúng ta hãy so sánh :
– 2 Mcb 6 – 7 : thà chết hơn là lỗi với luật cấm ăn thịt heo ;
– Gl 2,11-14 : trách thái độ của ông Phê-rô ngả theo một luật đã được bãi bỏ, để đi nước đôi
– 1 Cr 8,13 : “Nếu của ăn làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã”.
Vậy quy luật này không phải dễ áp dụng. Cuộc giải phóng khỏi luật Mô-sê cũng phải bao gồm đức ái và lợi ích chung. Trong cụ thể, thánh Phao-lô đã vừa tranh đấu cho người Ki-tô hữu gốc ngoại khỏi phải mang ách Lề Luật, vừa cổ võ các giáo đoàn gốc ngoại này sống hiệp thông và giúp đỡ các giáo đoàn mẹ ở Giê-ru-sa-lem. Thánh nhân thật sự đã biết nhận ra các dấu chỉ của thời đại.
Có thể kết luận rằng những gì mà luật Mô-sê gọi là “luật muôn đời” phải được áp dụng tuỳ thời tuỳ chốn. Đây là một bài học về tính tương đối của các giáo huấn Ki-tô giáo có chiều kích xã hội, nhân bản. Vậy chúng ta không nên dựa vào một vài đoạn lời Chúa có tính cách giai đoạn để đánh giá những lời liên quan đến phụ nữ, nhưng phải đặt lại mỗi vấn đề vào trong toàn cảnh của nó.
2/ Tìm lại những chức năng đã được thành lập
và những tương quan đã được xây dựng trong các cộng đoàn thời sơ khai.
Tuy rằng từ một vài đoạn thơ thánh Phao-lô, bài học được rút ra là không nên quá ảo tưởng (có “cắn xé nhau” – Gl 5,15), nhưng bức hoạ mà sách Công vụ đưa ra về các cộng đoàn tiên khởi này (“luôn hiệp thông với nhau” – 2,42) là một “mô hình lý tưởng”, một tiêu chí để vươn tới.
* Trong cộng đoàn, mọi người góp phần của mình. Hình ảnh nổi tiếng được dùng để nói về Giáo Hội là thân thể với chi thể (1 Cr 12,16-27). Điều này có nghĩa là mỗi người, đàn ông cũng như đàn bà, đều cần thiết cho Giáo Hội, không phải với những chức năng y hệt nhau, nhưng là trong một lòng tôn trọng nhau và tôn trọng đặc sủng của nhau :
– 1Cr 12,28-29 : các đặc sủng khác nhau trong cộng đoàn ;
– 1 Cr 13 : bài ca đức mến – đức mến là ưu tiên một.
Thánh Phao-lô còn nhắc nhở mọi người hãy đem thực thi đặc sủng của mình (Rm 12,7-8) và khao khát được ban đặc sủng ữa (1 Cr 14,1).
* Không thấy các cộng đoàn sơ khai chia ra làm đấng bậc như quen thấy sau này (giáo sĩ đủ cấp bậc, giáo dân). Các từ này chỉ về những cơ cấu mà thời đó Giáo Hội chưa cần tới để tổ chức nội bộ. Vậy chúng ta đừng quên rằng các linh mục, giám mục, thậm chí giáo hoàng, cũng là “giáo dân”, nghĩa là thành phần của Dân Chúa.
* Mỗi cộng đoàn có một hay nhiều người phụ trách. Thánh Phao-lô kêu gọi cộng đoàn hãy kính trọng các ngài (1 Tx 5,12). Trong số những người phục vụ cộng đoàn, có những thành phần mà ngày nay ta gọi là giáo dân. Thánh Phao-lô hay nhắc tới những người này một cách thân thương ở cuối thơ, đặc biệt ở Rm 16,1-23. Lưu ý số đông các phụ nữ được thánh nhân tuyên dương công trạng. Riêng đôi vợ chồng Pơ-rít-ki-la và A-qui-la được nhắc đến ở nhiều đoạn, nhất là ở Cv 18,24-28 : họ là “giáo lý viên” đã đào tạo nhà hùng biện A-pô-lô. Đối với thành phần giáo dân này, thánh nhân nhắc nhở cộng đoàn cũng phải tỏ lòng kính trọng, biết ơn (1 Cr 16,15-18). Phần các vị ấy, thánh Phao-lô khuyên phải coi chừng “đừng dập tắt Thần Khí” (1 Tx 5,19-21), và hãy xem chức quyền của mình là một nghĩa vụ (Cl 4,17).
Các ân sủng nói trên, “mỗi người chúng ta đã nhận được tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho… Nhờ đó, các thánh được chuẩn bị nhằm làm công việc phục vụ là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới … tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc xứng với sự viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,7.12-13).
Điều này vẫn còn tiếp diễn trong Giáo Hội của thời đại này. Trong hướng suy tư của đề tài chúng ta, nên cứu xét thêm một yếu tố cũng là một ân huệ Thiên Chúa ban tặng : phần đóng góp của chúng ta, với tư cách là phụ nữ, để xây dựng thân thể Chúa Ki-tô. Nhưng vì phần này có tính cách tu đức hơn là Kinh Thánh, nên sẽ được xem như một phụ chương giúp chúng ta áp dụng những bài học rút ra từ các gương của phụ nữ trong Kinh Thánh.
B) Phụ chương : Cung cách hiện diện và đóng góp của người nữ
Cám dỗ lớn của người nữ là tự coi mình như người nam hạ cấp, để tự đánh giá mình với lòng ganh tị, thèm được giống người nam. Do đó, họ có khuynh hướng tự ty, trong khi họ chỉ khác người nam thôi. Vậy trước hết, phải dứt bỏ lòng ganh tị và chấp nhận nữ tính của mình. Chúng ta chỉ trưởng thành khi tự biết mình khác biệt và chấp nhận chính mình, vai trò đặc thù của mình, cách thức sống làm người của mình.
Nhưng làm thế nào chấp nhận mình là khác ? Ngày nay, người ta có khuynh hướng đặt câu hỏi này trên bình diện công ăn việc làm. Một số người đòi cho đàn bà được làm những công việc y như đàn ông, một số khác từ chối không chịu vậy. Thật ra, tự nó, có lẽ công việc không phải là của đàn ông hay của đàn bà. Người ta nói : đời sống ở xưởng không hợp với đàn bà. Tự nó, đời sống ở xưởng có hợp với đàn ông hơn không ? Người ta nói : đàn bà phải có mặt trong gia đình. Vậy đàn ông không cần có mặt sao ? Ngược lại, nơi công cộng, trong giới chánh trị và doanh thương, đàn bà không có tiếng nói của mình sao ? Một tiếng nói mà chỉ có họ biết nói lên, và có khả năng biến đổi bộ mặt của xã hội biết bao ! Vậy vấn đề không phải là nhận hay từ chối công việc, mà là cung cách chu toàn công việc. Cùng làm một việc, có cách làm của đàn ông và cách làm của đàn bà. Chính điều này mới là quan trọng.
Vì thế, không nên cố làm cho phụ nữ hoàn toàn “bình đẳng” theo nghĩa làm bằng và làm giống hệt người nam. Hai bên phải là tương xứng và bổ sung cho nhau. Trong Giáo Hội như ngoài xã hội, không phải là nữ sẽ thế vai cho nam, mà là góp phần của mình, theo cách thức nữ của mình. Bằng không, Giáo Hội cũng như xã hội chỉ bị thiệt mà thôi.
Dưới đây, chúng ta sẽ ghi lại vài nét đặc thù của cách sống làm người của nữ giới. Một trường phái tâm lý học xếp theo bốn loại : từ mẫu, đa dâm, lạnh lùng, trí thức. Nhưng các loại này không phải là bất biến. Người nữ nào cũng mang trong mình những mầm móng của tất cả các loại trên, và nếu hoàn cảnh sống thay đổi thì người phụ nữ cũng chuyển từ loại này sang loại kia. Phải nói rằng một sự thăng bằng nào đó giữa bốn khuynh hướng sẽ tạo ra cung cách của người nữ. Người nữ phải đảm nhận toàn bộ tình trạng cân đối (hay thiếu cân đối) nói trên để tự chấp nhận chính mình. Các khuynh hướng đó càng hài hoà và lan rộng trên mọi lãnh vực của đời sống, người đàn bà càng toả ra những giá trị mà bên cạnh người đàn ông, chỉ có họ mới làm cho thế giới nhận ra được.
1/ Người nữ tế nhị trong cung cách do có lòng quí trọng các giá trị thuộc những phạm vi sâu kín thân thương nhất. Người nam sống thoải mái trong các tổ chức lớn : ví dụ, đối với họ, việc tông đồ hơi giống một công trình, một “á-phe” ; còn người nữ thì làm cho mọi công việc của họ có một bộ mặt riêng. Họ không thoải mái trong những tập đoàn rộng lớn, mà đòi hỏi bầu khí ấm cúng của một cộng đoàn thân thương. Gương mặt Đức Mẹ tại Ca-na và Cô Ma-ri-a Bê-tha-ni-a là tiêu biểu.
2/ Nếu được sống hồn nhiên, phụ nữ sẽ rất khéo xử để đáp ứng các nhu cầu mới – khéo xử trong việc nhỏ như trong việc lớn. Họ quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt, ung dung trong đó, không hề thấy nó đè nặng trên mình. Đó là lý do tại sao họ có một chỗ đứng tuyệt hảo và vững chắc trong các tổ chức y tế. Họ tìm ra, sáng tạo ra những cử chỉ làm cho hết căng thẳng. Và khi cuộc đời họ đã thuộc về Chúa Ki-tô, thì chính tình yêu Chúa toả ra trong hành động của họ mà họ không cần nghĩ tới. Chỉ cần một điều là để cho họ sống theo nhịp sống riêng của mình. Nếu bị bù đầu giữa một tổ chức vô danh, nếu nghĩ rằng mình không được cấp trên quí trọng và quan tâm đủ, họ sẽ khô héo đi, trở thành hờn mát và cay nghiệt. Để toả rạng niềm vui, họ phải được sống trong một khung cảnh có tình người và lòng tin tưởng nhau.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hằng ngày, điều này có cái lợi cũng như cái bất lợi : vì nặng về tình cảm, hoạt động của người nữ có thể mang nhiều ý nghĩa mập mờ. Vấn đề là phải sáng suốt để biết nhận diện, tinh luyện và hướng dẫn bản tính ấy.
3/ Người nữ có khả năng đi thẳng vào tâm điểm của mọi sự nhờ biết làm cho mọi sự thông qua cái tâm của mình. Đức tính này khiến cho người nữ tìm ra, trong những công trình lớn, những lối đi tắt mà người nam không hề nghĩ tới. Đàn bà hiểu nhanh và tưởng tượng còn nhanh hơn nữa. Nhưng có thể, sau khi “đánh hơi” giá trị của một sự việc, họ lại lu bu với những linh cảm linh tinh để rồi bị lạc hướng và ngã lòng. Bấy giờ, cần có một lý trí mạnh mẽ, chính xác, của một người khác, đến soi sáng và nâng đỡ. Rất hiếm khi người nữ thực hiện một công trình đơn độc một mình. Nhưng biết bao công trình vĩ đại trong Giáo Hội đã chẳng bao giờ thành tựu nếu không có người nữ ! Bắt đầu bằng các Nữ Tông Đồ trong Tân Ước, rồi đến các thánh Ca-ta-ri-na Xiên-na, các Tê-rê-xa Lớn, Nhỏ, và của thành Calcutta… Hơn nữa, giữa muôn ngàn công việc, người nữ giữ được cung cách kín đáo, gần như là ẩn danh. Không ai nghĩ rằng họ đã có mặt. Thế mà nếu không có họ, sẽ thiếu một phẩm chất nào đó trong những công trình người nam thực hiện. Ngay cả trong việc cầu nguyện, trong tương quan sâu thẳm với Chúa, nét độc đáo này vẫn được duy trì. “Người nữ cầu nguyện như nhồi bột vậy… Công việc gắn liền với con người của họ. Họ tự đồng hoá với lời cầu nguyện” (J. de Broucker, Quand vous priez, Christus số 37, 1963)
4/ Khả năng đảm nhận đau khổ nơi người nữ được coi là lớn hơn nơi người nam. Họ nhạy cảm về con người hơn, nên cũng khổ nhiều hơn vì những thiếu thốn của con người. Đây là yếu tố đi đôi với lòng tế nhị của họ. Chắc chắn khuynh hướng này có những nguy cơ của nó. Nếu phát triển một mình, nó sẽ đưa tới tính khoái chịu đau. Một cảm tính phát triển không đúng cách sẽ làm cho phụ nữ tự nhốt mình trong thế giới nội tâm riêng của mình, và tự tạo cho mình một tâm lý nạn nhân. Trong phạm vi này, cần có óc biện phân, nhưng đây vẫn là một năng lực cốt tử : đau khổ, nếu là thực thụ chớ không phải tưởng tượng, là một cuộc sinh nở, như Đức Giê-su nói trong Ga 16,21. Đây là một sức mạnh trong hoạt động của người nữ. Nếu khả năng quan tâm đến con người không đi đôi với khả năng chịu đựng và cảm thương, thì người nữ tìm nơi đâu nguồn mạch của tinh thần dũng cảm để lao mình vào những công trình phải đảm đang ? Khả năng đó làm cho họ đối đầu với những trở ngại mà hiếm khi người nam dám vượt qua, khởi đầu những việc chưa thấy được kết quả, kiên trì trong những hoàn cảnh tuyệt vọng.
Cái nguy ở đây là họ có thể lạm dụng sức lực của mình, vì tự họ, họ không biết tiết chế. Đức tuân phục sẽ có vai trò buộc họ ngưng hoặc bớt đi công việc. Đây sẽ là một đợt thanh luyện trái tim, quí hơn là những công trạng gây ảo tưởng. Nhưng khả năng chịu đau khổ này, trong lịch sử loài người cũng như của Giáo Hội, đã trở thành nguồn mạch của biết bao công đức âm thầm, trong nhà tu cũng như trong xã hội, thật quí báu cho nhân loại !
Mặc dù đã trình bày những nét gọi là đặc thù của nữ giới, chúng ta cần phải nhắc lại rằng nam tính và nữ tính cùng hoạt động trong mỗi người, dù là nam hay nữ ; chẳng qua khác nhau là ở tỷ lệ và dạng thăng bằng của hai yếu tố phối hợp lại với nhau. Cả hai đều cần thiết cho đời sống con người cũng như cho Giáo Hội. “Cụ thể, không có đời sống nào là thuần tuý nam hay thuần tuý nữ. Đó là hai khả năng của giống người, được ý thức nơi mỗi giới…” Điều quan trọng là mỗi người đóng vai trò của mình, với ý thức mình là ai và có những giới hạn nào. “Một cuộc sống viên mãn đòi hỏi phải có hai phương án, hai cái nhìn, và trong mỗi phương án, sự thành tựu của dạng nam lẫn dạng nữ”, vì lợi ích của Giáo Hội và xã hội loài người.
M. Amélie Nguyễn Thị Sang, CND
Biên soạn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Jennifer Dines, CND. How to read the Bible as women (Đọc Kinh Thánh với tư cách là phụ nữ : như thế nào?). Liên tu sĩ Anh Quốc 1996.
2. R. de Vaux, OP. Institutions de l’Ancien Testament (famille – femmes – veuves – enfants – succession – héritage) Cơ cấu (Ít-ra-en) thời Cựu Ước. Paris 1960
3. Th. Maertens. La promotion de la femme dans la Bible (Bước thăng tiến của phụ nữ trong Kinh Thánh). Edition Casterman 1967
4. A. Jaubert. Les femmes dans l’Ecriture (Phụ nữ trong Kinh Thánh). Vie chrétienne, Ed. du Cerf 1992
5. Brépols. Dictionnaire encyclopédique de la Bible / Femme (Từ điển bách khoa môn Kinh Thánh / Phụ nữ). 1987
6. J. Laplace, SJ. Người nữ và cuộc đời thánh hiến (Tài liệu chủ đạo cho phần IV.B). Chemins de la foi. Ed. du Châlet 1964
7. A.M. Pelletier. Le Cantique des cantiques (Sách Diễm Ca). trong Cahiers Evangile, số 85 Ed. du Cerf 1993