Điều Gì Để Lại Cho Con? Gương Sống
Dạy con về Chúa: Gương sống
“Tất cả trẻ con, dù ở tuổi nào cũng vậy, đều bịt tai trước những lời khuyên răn dạy bảo, nhưng chúng sẽ chăm chú, mở mắt thật to nếu người lớn làm gương cho chúng.” (Thetablet)
Đầu óc con trẻ như những tờ giấy trắng, như những nắm đất sét mềm mại; muốn cho con trở nên như thế nào, chúng ta cần uốn nắn chúng từ khi còn nằm trong nôi, từ khi bập bẹ biết nói, biết đi. Chúng ta cần rót vào tai chúng những lời kinh, lời Phúc Âm, lời hát ru mang tính đạo đức, về Chúa, hát các Thánh vịnh, ngâm những bài thơ đạo hay và ý nghĩa… Chúng ta rót vào đầu chúng những ước muốn lành thánh, đưa vào mắt chúng những cử chỉ lành thánh như làm dấu Thánh Giá trước khi ăn, chắp tay, phủ phục trước Thánh Thể… Giúp con có những ao ước trở nên người lành thánh, hướng cho con tương lai mà chúng muốn xây đắp cho bản thân: khi lớn lên, CON MUỐN TRỞ NÊN… người như thế nào?
Chắc chắn Thánh Âu Tinh trong thời gian sống phóng đãng, vẫn còn vẳng bên tai những lời của mẹ nhắc nhở. Chính những gì bà Monica đã gieo, đã tạo nên sự giằng co trong tâm hồ… cho đến khi Thánh nhân dứt khoát trở về với Chúa…
“Lòng con luôn khắc khoải cho tới khi an nghỉ trong Chúa.”
Tạo cho con một môi trường lành mạnh
“Tình yêu của tuổi thanh xuân cao sáng,
bao giờ cũng hướng tới sự cao thượng.” (M.Goethe)
Tuổi trẻ rất nhạy bén về những giá trị đạo đức, tâm trí chúng con trong sáng, phụ huynh cần rót dần vào đầu trẻ những tư tưởng hướng thượng, quảng đại.
Kể cho con cháu nghe chuyện các thánh, những gương sống tốt trong xóm, trong gia tộc… Trẻ sẽ thích sẽ say mê và sẽ muốn bắt chước theo.
Giải thích cho con về ý nghĩa những việc tốt mình làm hay không làm (Ví dụ: Con có biết tại sao ba/má giúp người ngày nhiều hơn người kia không? Con có biết tại sao ba làm thinh khi mẹ cằn nhằn không? Tại sao ba phạt hay khen con?…)
Người Do Thái trong các dịp lễ lớn, con cháu tụ họp lại nghe ông bà kể chuyện lịch sử của Dân Chúa, Chúa đã thương và can thiệp vào đời sống của dân tộc như thế nào? Và thế là những giá trị truyền thống được tiếp nối. Nhiều dân tộc cũng như gia đình họ cũng làm như thế.
Một gia đình chăm chuyên nghe nói về Chúa, sáng tối đọc kinh, lắng nghe và chia sẻ Phúc Âm, gia đình nhường nhịn nhau, (một sự nhịn bằng chin sự lành) nghĩ đến nhau, lo cho nhau (ví dụ: con nhớ dắt bà đi chậm nha, con nhớ để dành phần cho chị đi học về trễ… Dạy cho trẻ nghĩ đến người khác…) Thật đúng là” “Trăm nghe không bằng mắt thấy”. Chính cha mẹ và người trong nhà làm việc lành cho con em thấy chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không ngờ.
Giúp tìm bạn tốt cho con chơi, để ý xem những sách con đọc, phim con xe… những câu chuyện con kể… nhắc nhở học giáo lý… viếng Thánh Thể … cầu nguyện và cám ơn Chúa trong mỗi việc may lành hoặc khó khăn… (dẫn con cháu nhỏ đi Nhà Thờ, đi thăm người bệnh,…)
Nt. Marie Thecla Trần Thị Giồng
Tranh vẽ: Hồng Nhung