Diễn Đàn Giáo Dục CND

 

 

Việc xem việc đồng hành với cha mẹ học sinh cá biệt là cần thiết là một cái nhìn tiến bộ. Nó cho thấy một giả định gần như đúng với đa số trường hợp: học sinh cá biệt (ở đây đang nói đến các em có hành vi cá biệt như: quậy phá, bỏ học, vô lễ với thầy cô, đánh bạn, phong cách không phù hợp tuổi học đường…; không muốn nói đến từ “cá biệt” theo nghĩa là hệ quả của một rối loạn phát triển như chứng khó đọc, tăng động kém chú ý…) thì cũng có một số hoàn cảnh cá biệt, trong đó cha mẹ có thể giáo dục con sai cách, môi trường sống khó khăn, không thuận lợi cho sự phát triển của các em… Theo quan điểm Hệ Thống (giáo dục và tâm lý học), nếu chúng ta muốn cải thiện tình trạng của một cá nhân thì đồng thời phải can thiệp vào hệ thống đang nuôi dưỡng cá nhân đó. Nói cách khác, nếu giáo viên muốn học sinh cá biệt hết cá biệt, giáo viên phải tìm hiểu và cải thiện hoàn cảnh của học sinh, không gì khác hơn là đồng hành với cha mẹ của em ấy nữa!

Tại các nước phát triển, việc đồng hành này được làm khá tốt bởi họ nhìn ra vấn đề của em học sinh và có một ê-kíp cùng làm việc với hệ thống của em. Giáo viên/giáo lý viên không thể làm hết mọi việc. Giả sử một em học sinh đang sống trong khu ổ chuột, cha mẹ em thất nghiệp hoặc chịu án tù, giáo viên của em sẽ cần sự trợ giúp của nhân viên xã hội, nhân viên y tế, tâm lý gia… để nâng đỡ cha mẹ và thay đổi môi trường của em. Trường hợp chỉ có cha mẹ em nuôi dạy em sai cách, giáo viên cũng đóng một vai trò trung gian giúp cha mẹ nhận thức vấn đề, việc cải thiện tình hình sẽ cần đến một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục con. Cũng có những trường hợp hiếm hoi hơn, cha mẹ của một học sinh cá biệt lại chẳng “cá biệt” chút nào, giáo viên có thể hợp tác với cha mẹ để giúp đỡ em đó theo cách đồng bộ ở trường cũng như ở nhà. Tùy trường hợp mà giáo viên có thể làm gì, nhưng không có nghĩa là gánh vác tất cả vấn đề của em liên quan đến cha mẹ và môi trường nơi em sống.

Trong bối cảnh như vậy, ở Việt Nam, chúng ta chưa thể nói đến việc đồng hành với cha mẹ học sinh cá biệt một cách “chuyên nghiệp” được. Đây chỉ là nhiệt tâm của các giáo viên/giáo lý viên với mong muốn làm hết khả năng vì các học sinh cá biệt. Vì vậy, tôi xin mạn phép đưa ra vài gợi ý mà theo thiển ý của tôi, cũng chưa hẳn là có thể áp dụng được ngay trong thực tế, và tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đồng hành như vậy, chỉ là những gì tôi nghĩ tới trong khả năng:

– Giáo viên có thể tổ chức trong lớp mình một Hội/Nhóm Phụ Huynh và làm việc chặt chẽ, gần gũi với nhóm Phụ Huynh này để chính các phụ huynh đồng hành với nhau và giúp đỡ giáo viên trong việc đồng hành với các cha mẹ có con là học sinh cá biệt.

– Giáo viên cần có sự nâng đỡ từ Ban Giám Hiệu và các giáo viên khác cũng gặp trường hợp tương tự để có sự hợp tác trong việc giúp đỡ cha mẹ có con là học sinh cá biệt (ví dụ: tổ chức Hội Phụ Huynh trường có kế hoạch thăm viếng nhà các học sinh này, mở các buổi hội thảo về vấn đề cá biệt và mời các cha mẹ tham dự, có thêm một chút “quỹ” để chính giáo viên cũng có thể liên lạc thường xuyên với cha mẹ học sinh cá biệt và giúp đỡ họ tùy khả năng trường/lớp, mở các dịch vụ trong trường như tư vấn tâm lý nơi có thể mời cha mẹ học sinh cá biệt đến trao đổi…). Việc đồng hành với cha mẹ học sinh cá biệt cần phải trở thành một chương trình của nhà trường chứ không phải việc riêng của một giáo viên.

– Giáo viên có thể nhờ đến sự trợ giúp của địa phương (nếu ở đó có Hội Phụ Nữ, các đoàn thể ban ngành có khả năng đồng hành và hiểu tình hình gia đình học sinh cá biệt…).

– Bản thân giáo viên: đến thăm gia đình, liên lạc qua điện thoại với cha mẹ học sinh cá biệt thường xuyên hơn các học sinh khác, để ý và dành nhiều thời gian hơn cho các em học sinh này trên lớp…

Nếu việc đồng hành với phụ huynh quá khó khăn thì giáo viên vẫn cần dành hết khả năng để đồng hành với các em học sinh cá biệt. Chính các em có thể gây ý thức nơi cha mẹ khi các em thay đổi nhờ việc đến trường trong niềm vui và cố gắng.

 

Nếu phụ huynh có con mắc triệu chứng tự kỷ, người giáo viên hay giáo lý viên cần hiểu tâm lý của phụ huynh để hiểu và thấu cảm cho những khó khăn mà họ đang phải đối diện. Bởi vì, khi phát hiện con mình có triệu chứng tự kỷ, trước tiên tâm lý của phụ huynh sẽ là bị “sốc”, “gục ngã”, “xấu hổ”, “bối rối”. Họ đặt ra những câu hỏi: “tại sao?”, “bao giờ thì khỏi?”, “cho con đi học ở đâu?”… Họ cảm thấy hoang mang, sợ hãi và có khi trách móc bản thân mình. Phụ huynh là những người cần được can thiệp đầu tiên. Họ cần được lắng nghe, chia sẻ, để vơi đi phần nào những đau khổ. Khi phụ huynh chấp nhận và nhận thức đầy đủ tình trạng của con, sẽ giúp cho con tốt nhất trong quá trình can thiệp của trẻ.

Giáo viên hay giáo lý viên cần có sự hiểu biết đầy đủ về mặt kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho việc dạy học để có thể chia sẻ với phụ huynh, cùng với họ yêu thương, dạy trẻ:

– Giáo viên/ GLV tích cực ( positive) kể đến những thế mạnh của trẻ

– Chia sẻ với phụ huynh về sự “bình thường hóa (normalise)” : khuyết tật hiện diện khắp nơi đối với mọi người. Đề cập những tấm gương thành công trước những khó khăn tương tự.

– Cho họ cảm nhận về tình thương, sự quan tâm của mình để họ không cảm thấy đơn độc.

– Giúp phụ huynh tìm hiểu về dạng tật của con mình.

– Giúp phụ huynh tìm hiểu phương pháp can thiệp phù hợp với con mình.

– Giúp phụ huynh tiếp cận với các tài liệu hướng dẫn cách chơi và dạy con.

– Hướng dẫn phụ huynh các bước để tự dạy con tại nhà

 

– Giáo viên/ Giáo lý viên cần tìm hiểu những biểu hiện cá biệt của học sinh: những học sinh gây gổ đánh nhau, bỏ giờ, trốn học, không chấp hành nội qui… thêm vào đó là sự lôi kéo của bạn bè về phía mình nhằm thỏa mãn cá tính hoặc thỏa mãn nhu cầu giải tỏa tâm lý bị ức chế về hoàn cảnh của bản thân mình….. để biết nguyên nhân.

– GV/ GLV: gặp gỡ, trao đổi tạo sự gần gũi với HS

GV/GLV: Đến thăm gia đình các em. Lắng nghe cha mẹ HS chia sẻ về hoàn cảnh sống, đời sống trong gia đình, tương quan giữa các thành viên…. để hiểu rõ hơn về HS đó và thông cảm với PH.

– GV/GLV: có thể chia sẻ ưu tư của mình về các em với PH một cách chân thành. Mong muốn các em được học tốt, được phát triển lành mạnh về tri thức cũng như nhân cách. Sau đó mời gọi PH cùng cộng tác.

– GV/GLV: gợi ý một số điều PH có thể thực hiện để giúp con mình.

– Tuy nhiên, tùy theo đối tượng PH, mức độ tiếp nhận của họ mà GV/GLV có những bước tiến hoặc lùi phù hợp trong lúc đồng hành.

Có lẽ đây không phải là trường hợp học sinh cá biệt, mà là học sinh có vấn đề về tâm lý.

Khi dạy Giáo lý lớp Rước lễ, tôi phát hiện có một em nữ hay đi học trễ, trong lớp học không tập trung. Mỗi lần gọi em trả lời, em đều không trả lời được, mắt em phân tán, nói ấp úng.

Tôi lấy làm lạ nên sau giờ học gặp phụ huynh để biết nguyên nhân em hay đi muộn, và mong muốn em được đi học đúng giờ hơn, thì phụ huynh (ba của em) có vẻ không hài lòng. Sau đó tình hình vẫn không thay đổi. Sau giờ học, tôi gặp em hỏi han việc học ở trường và sinh hoạt ở nhà thì em kể không rõ ràng. Tôi quyết định gọi điện thoại cho gia đình để hẹn gặp PH vào dịp thuận tiện cho họ. Thật bất ngờ, PH từ chối gặp vì không có thời gian, có việc gì thì trao đổi qua điện thoại. Tôi suy nghĩ và cầu nguyện, rồi quyết định gọi lần nữa. Và mẹ của em lại trả lời không muốn gặp. Cô còn nhắn với người chị chồng cũng là PH của lớp tôi rằng: “Sơ này cứ làm phiền cô hoài”. Cô là người tân tòng, ít đi lễ. Cô vừa đi làm vừa chăm 3 con nhỏ.

Lần này thì tôi không gọi nữa, lòng phó thác trong tay Chúa và tìm cách khác. Nhưng rồi đột nhiên, cô ấy muốn gặp tôi sau giờ dạy giáo lý. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều để biết Chúa muốn tôi nói gì với cô ấy, về con của cô và về cách hướng dẫn em. Tôi đặt ra những câu hỏi cho mình, rồi cũng e ngại liệu cô có đón nhận những điều đó không. Cô có cộng tác hay sẽ phản ứng ngược lại?… Cuối cùng, tôi đến gặp với sự chân thành, lắng nghe và chia sẻ.

Buổi trò chuyện ngoài mong đợi. Trước mắt tôi là một phụ nữ trẻ tuổi, xinh đẹp. Tôi chào cô và cám ơn cô đã đến. Tôi bắt đầu hỏi thăm gia đình của cô, cô cũng chia sẻ hết với tôi những gì về gia đình, các con và những nỗi bận tâm của mình. Cô quá bận rộn, không đủ giờ quan tâm đến con. Cô vừa đi làm, vừa chăm sóc 3 con nhỏ, vừa chăm bố mẹ từ xa (mỗi ngày mang thức ăn cho ông bà ở riêng với gia đình cô). Sau khi nghe xong, tôi nói với cô rằng: Tôi biết cô rất yêu con của mình, nhưng cô có đủ kiên nhẫn với nó không? Cô nhìn tôi chăm chú, tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi nói tiếp những điều tôi nhìn thấy, cảm thấy những điều không ổn nơi con gái cô thì cô bắt đầu khóc. Rồi cô hỏi cô phải làm gì. Tôi đưa ra một số điều cô cần làm để giúp con bé khi cháu ở nhà. Còn khi cháu đến lớp giáo lý, tôi sẽ giúp cháu.

Sau đó, khoảng một – hai tháng, tôi lại gặp cô để trao đổi. Cô chia sẻ những khó khăn của mình khi làm những gì tôi đề nghị, cô cũng thấy những vấn đề nơi con… Rồi tôi tiếp tục gợi ý cho cô những bước tiếp theo… Tôi cũng dành nhiều thời để gặp em, tạo nơi em sự tin tưởng, không ép buộc, … Cứ như vậy, sau một năm em bắt đầu khá hơn. Đến năm thứ hai thì tôi không còn dạy em nữa, nhưng bác của em cho biết là em đã thay đổi rất nhiều. Cô giáo dạy thêm của em đã gặp PH để hỏi lý do vì sao em lại thay đổi khác trước nhanh như vậy. Em không còn rụt rè, hoảng sợ, cũng không còn lầm lì nữa, nhưng vui tươi và sôi nổi hơn. Rồi gia đình em cũng đầm ấm, siêng năng đi dự lễ hơn xưa. Nghe những điều tốt đẹp đang diễn ra nơi em và gia đình em, tôi rất đỗi cảm tạ Chúa vì: “Apolo trồng, Phaolo tưới nhưng chính Thiên Chúa mới cho mọc lên”.

BTT CND-CSA tổng hợp