Diễn đàn Giáo dục CND – Tình huống tháng 8/2018
Ban Truyền Thông CND – CSA xin chia sẻ một vài kinh nghiệm của quý Thầy Cô hiện đang dạy học tại các trường của chị em Dòng Đức Bà – Việt Nam. Ban Truyền Thông xin chân thành cám ơn quý Thầy Cô, quý Chị em CND đã tận tình đóng góp ý kiến giúp chuyên mục được phong phú. Những đóng góp phong phú của quý vị cho chuyên mục này sẽ là những kinh nghiệm quý báu cho những ai đang thao thức với nền giáo dục của Dòng Đức Bà nói riêng và nền giáo dục trên quê hương Việt Nam nói chung.
GIÚP TRẺ CẢM NHẬN TRƯỜNG LÀ “NHÀ MÌNH”
Việc cho trẻ đến trường trong một môi trường mới là nỗi lo lắng lớn đối với phụ huynh và những người thân trong gia đình. Đối với trẻ trong độ tuổi Mầm non, có lẽ nỗi lo lắng của phụ huynh còn tăng lên gấp bội, nhất là thời gian gần đây. Tuy nhiên, trong vai trò là Giáo viên Mầm non của trường Sương Mai thuộc sự quản lý của Dòng Đức Bà, chúng tôi tự hào vì những đóng góp của chúng tôi, đặc biệt với cách thức giúp trẻ mới đến trường mau hòa nhập và thích thú trong môi trường mới.
Chuẩn Bị Trước Khi Đưa Trẻ Đến Trường
Điều đầu tiên là môi trường sư phạm: sân trường cần rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, có nhiều đồ chơi ngoài trời an toàn, hấp dẫn như nhà banh, cầu tuột, xe đạp, xích đu….
Lớp học: sạch sẽ, rộng, thoáng, trang trí lớp đẹp, hấp dẫn. Đồ chơi tại các góc đầy đủ, đẹp, phong phú.
Ban giám hiệu, giáo viên, công nhân viên trong trường: vui vẻ, nhẹ nhàng, thân thiện, gần gũi, kiên nhẫn. Điều quan trọng là giáo viên hiểu tâm lý trẻ mới đến trường thường hay khóc, cần sự quan tâm, hay tè dầm, nôn ọe, sốt, đau bụng…
Chuẩn bị tâm lý cho trẻ: nói cho trẻ biết về ngôi trường trẻ sẽ đến. Nơi đó có nhiều đồ chơi, có các bạn cùng chơi, có cô giáo chỉ cho bé chơi, kể chuyện, đọc thơ, dạy bé hát, tô màu… Nói chung, phụ huynh nên nói những điều hay, đẹp và tích cực của môi trường trẻ sẽ đến.
Chuẩn bị cho trẻ cặp mới, quần áo mới, nón mới… để đến trường.
Cho trẻ đem đến trường một món đồ chơi nào đó mà trẻ ưa thích và gắn bó.
Thỉnh thoảng chở bé đến trường, cho bé vào tham quan trường lớp, chơi đồ chơi, làm quen chào hỏi bác bảo vệ, cô giáo, …
Thời Gian Đầu Trẻ Đến Trường (Khoảng 1 Tuần)
- Về phía nhà trường:
Cho trẻ chơi ngoài sân trường, thỉnh thoảng cho trẻ vào lớp, nên để trẻ được tự do, không bắt trẻ phải theo nề nếp ngay.
Giáo viên hỏi thăm trò chuyện, cùng chơi với trẻ. Tổ chức những hoạt động trong lớp học thật hấp dẫn như: kể chuyện, hát, tô màu, chơi trò chơi, đồ chơi…
Giáo viên cho phép trẻ được đem theo đồ chơi ưa thích và giữ một vài thói quen ở nhà như bú bình, mặc bỉm…
Cho trẻ ăn vừa phải tùy theo nhu cầu của trẻ.
Cho người thân của trẻ được hiện diện trong lớp khoảng 2, 3 buổi sáng. Trò chuyện thân thiện với người thân của trẻ về những hành vi và biểu hiện chung của trẻ mới đến trường để cha mẹ thấy an tâm hơn.
Giáo viên cần nhẹ nhàng, không la mắng khó chịu khi trẻ khóc, nôn ọe, tè dầm…
- Về phía phụ huynh:
Đưa trẻ đến trường sớm (lúc có đông các bạn cùng đến trường).
Ở lại chơi với trẻ một hai tiếng hoặc một buổi sáng (khoảng 2, 3 ngày đầu). Sau đó rước trẻ về để đảm bảo sức khỏe và tâm lý cho trẻ.
Sau 2, 3 ngày rước về nửa buổi thì phụ huynh để trẻ ở lại cả ngày. Trong những ngày để trẻ ở lại cả ngày, buổi chiều phụ huynh cần rước trẻ sớm hơn (khoảng 3g chiều) để trẻ không quá lo lắng vì phải chờ ba mẹ quá lâu.
Có những lời nói tích cực động viên trẻ đến trường, hỏi thăm bé về những ngày đầu của bé ở trường. Nên tránh nói những lời tiêu cực như: “khóc là cô đánh”, “không ngoan mẹ bỏ ở lại trường luôn”.
Trao đổi với giáo viên về những sinh hoạt của trẻ. Thống nhất với giáo viên về những cách thức giúp trẻ mau hòa nhập hơn.
Khi đã trao trẻ cho giáo viên rồi thì phụ huynh cần có thái độ dứt khoát đi về, không bịn rịn níu kéo hoặc đứng thập thò nhìn trộm bé.
Tùy theo sự thích nghi của mỗi trẻ và sự phối hợp nhịp nhàng chặt chẽ giữa phụ huynh nhà trường, thì trẻ có thể hòa nhập vào môi trường mới một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đó chính niềm vui lớn cho nhà trường và gia đình. Cha mẹ có thể an tâm đi làm. Giáo viên có thời gian chú tâm vào trách nhiệm chăm sóc và giáo dục các cháu chu đáo hơn.
Một chút chia sẻ của Giáo viên trường Mầm non Sương Mai. Hy vọng nhà trường, phụ huynh sẽ thấy vui, nhẹ nhàng và an tâm hơn khi giúp trẻ hòa nhập với môi trường mới.
Giáo viên Trường Mẫu Giáo Sương Mai, Q3 TP. HCM
TÌNH YÊU VÀ SỰ CHÂN THÀNH …
“Tình yêu và sự chân thành là điều tuyệt vời nhất giúp con người ta giải quyết được mọi vấn đề” và trong tình yêu ấy luôn luôn phải có sự kiên nhẫn. Có lẽ đó là những điều mà tôi đúc kết được sau sáu năm đứng trên bục giảng. Sáu năm – một quãng thời gian không quá dài nhưng thật sự cũng không hề ngắn mà nó “đủ” với những trải nghiệm dở khóc dở cười: vui có, buồn có, bực tức có, nóng giận có, tự hào có và cũng không ít lần cảm thấy bất lực, bế tắc đến rơi nước mắt. Chắc hẳn rằng đó cũng là cảm xúc mà rất nhiều những ai là giáo viên đã từng trải qua.
Mỗi năm học mới là mỗi năm chất chứa và mang trong mình nhiều quyết tâm với ước vọng rằng sẽ gặt hái được nhiều thành quả hơn, khéo léo hơn, chững chạc hơn và đặc biệt là trở thành một “nhà giáo” đúng như ý nghĩa thật sự của nó.
Nhưng có lẽ những ai đang mang trong mình sứ mệnh trồng người đều hiểu rằng: để trở thành một nhà “sư phạm” theo đúng nghĩa của nó quả thực không hề dễ dàng. Nhưng tạ ơn Chúa vì sau mỗi năm học qua đi luôn soi sáng giúp tôi luôn biết tự đặt ra câu hỏi cho chính mình rằng: “Tôi đã làm được gì?”, “Tôi đã sai ở đâu?”, “Tôi đã thật sự “trọn” tâm với sứ mệnh của mình?” Để từ đó luôn có tâm tìm tòi, học hỏi thêm những kinh nghiệm, những giá trị đích thực của giáo dục nhằm thực hành “trọn” sứ mệnh…!
Và năm học mới cũng đã bắt đầu, những nhà giáo lại tiếp tục song hành với các em học sinh trong công cuộc chuẩn bị hành trang cho tương lai. Vào những ngày đầu năm học thì việc giúp các em “học sinh mới” hòa nhập với môi trường mới có lẽ là điều mà giáo viên nào cũng đang phải đối mặt trước tiên, đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học – lứa tuổi mà các em rất khó để có thể thích ứng với một môi trường mới một cách dễ dàng. Vậy làm sao để có thể giúp các em? Mỗi giáo viên sẽ có một phương pháp khác nhau với những hiệu quả khác nhau và hôm nay, tôi xin được chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong việc GIÚP TRẺ THÍCH ỨNG VỚI MÔI TRƯỜNG MỚI, THẦY CÔ MỚI, BẠN BÈ MỚI.
Sau sáu năm đứng trên bục giảng, với duy nhất một nhiệm vụ là “giáo viên bộ môn” và được tiếp xúc với khá đầy đủ các em học sinh mới của trường, nên có lẽ tôi đã có nhiều cơ hội để cùng đồng hành với nhiều đối tượng học sinh mới hơn. Với những em hướng ngoại, hòa đồng thì chúng ta không quá vất vả trong việc giúp các em hòa nhập nhưng đa số các em học sinh mới thường có cảm giác sợ và cảm thấy xa lạ, không an toàn và điều này thấy rõ nhất ở những em hướng nội, nhút nhát. Với những em học sinh này, tôi thường có xu hướng bắt chuyện mỗi khi gặp các em hay đơn giản là cùng ngồi và trò chuyện với các em về những sở thích, về gia đình, về bạn bè… của các em. Và trong các cuộc trò chuyện với trẻ, tôi thường thích vuốt tóc hoặc xoa đầu các em như là một hành động làm tăng “chất xúc tác” cho cuộc trò chuyện và tạo cho các em có được cảm giác gần gũi như thể đang trò chuyện cùng một người thân, như vậy các em sẽ cảm thấy thoải mái và sẽ dễ dàng chia sẻ hơn.
Ngoài ra, việc tổ chức các trò chơi mang tính chất cặp đôi hay đồng đội cũng là một hình thức giúp các em có cơ hội được làm quen bạn mới, tăng sự thân thiết với những người bạn khác. Và sẽ là điều tuyệt vời khi người giáo viên tham gia vào các hoạt động cùng các em, điều đó giúp các em cảm nhận được sự thân thiện nơi người thầy, người cô của mình bởi các em thường có ấn tượng và gần gũi với những giáo viên, hoặc là hài hước hoặc là tâm lý. Và khi có được mối tương quan ấy thì các em sẽ dễ dàng hòa nhập hơn.
Người ta vẫn thường hay nói “trăm ngàn lời nói không bằng một lần làm”, “trăm câu lý thuyết không bằng một lần thực hành”, quả thực để nắm bắt được tâm lý và nhu cầu nơi trẻ để có phương pháp giúp đỡ các em là điều cần rất nhiều sự khéo léo. Nhưng, nếu ai đó vẫn còn đang loay hoay tìm kiếm cho mình những phương pháp sư phạm “tốt” thì trước nhất hãy dành TÌNH YÊU VÀ SỰ CHÂN THÀNH cho các em vì khi bạn “không thể” khéo léo và không có phương pháp tối ưu ngay lúc này thì tình yêu và sự chân thành chính là cách thức tuyệt vời nhất giúp bạn có được lòng tin nơi trẻ – điều tối cần thiết giúp trẻ cảm nhận được sự gần gũi, yêu thương và an toàn trong một môi trường mới …
Giáo viên trường Việt Anh – Đạ Tẻh, Lâm Đồng
LÀM QUEN ĐỂ KẾT THÂN …
Dù là học sinh tiểu học, trung học hay sinh viên đại học, việc bỡ ngỡ và gặp một số khó khăn trong môi trường học tập hoàn toàn mới là không thể tránh khỏi. Vậy làm sao để các em có thể dễ hòa nhập với trường lớp mới, bạn bè mới? Xin nêu ra vài ý kiến…
Thời gian gần đến năm học mới, phụ huynh có thể kể cho các em về ngôi trường mới (tên trường, địa điểm, lịch sử…), nếu được, có thể một vài lần đưa các em thăm ngôi trường mới trước, đồng thời cùng với các em đi mua sắm dụng cụ học tập, cho các em tự chọn màu viết, bóp viết, túi xách…; tạo nên hứng thú cho các em. Trước khi bước vào môi trường mới, phụ huynh hoặc giáo viên có thể dẫn các em đi dạo một vòng quanh trường để thăm các lớp học, căn tin, các khu giải trí, kể cả khu vệ sinh… giúp các em có được cảm giác an tâm, không quá ngỡ ngàng và sợ hãi khi chia tay ba mẹ để ở lại trường.
Đối với các em lớp 1, ngày khai trường luôn để lại dấu ấn rất đặc biệt; vì vậy, nhà trường có thể tổ chức ngày này như một sự kiện với nụ cười chào đón của giáo viên hay với hoa và quà… Điều đó sẽ giúp cho các em nhận ra rằng nhà trường rất trân trọng các em, hãnh diện khi được chào đón các em. Trên hết, đó cũng là bài học đạo đức đầu tiên về lễ nghĩa dành cho các em: các em đến trường, thầy cô dành cho các em sự đón tiếp nồng hậu với câu chào, câu hỏi, câu cảm ơn…
Vào ngày này, thầy cô cũng không nên nói quá nhiều về nội quy trường lớp, sợ rằng sẽ tạo ra “nỗi sợ” cho các em. Ngược lại chỉ là những câu chỉ dẫn dí dỏm, hướng dẫn các em cách làm quen với môi trường mới, cách sử dụng nhà vệ sinh, sử dụng giấy và nước tiết kiệm như thế nào, các kỹ năng an toàn, xen lẫn với chương trình nghệ thuật, …
Để các em nhanh chóng hòa nhập môi trường học tập mới, ta cũng có thể tổ chức những trò chơi, sinh hoạt tập thể, giao lưu kết nghĩa giữa học sinh lớp đầu cấp với học sinh lớp trên, kiểu như em nhỏ luôn có “thiên thần” bên cạnh để giúp đỡ, hướng dẫn và bảo vệ. Như thế, môi trường học đường sẽ trở nên gần gũi và thân thương hơn. Ước mong các thiên thần nhỏ bé của chúng ta sẽ lớn lên mau chóng từng ngày!
Anna Dung CND – CSA, sưu tầm
Với vai trò là người đồng hành với học sinh cấp I trong nhiều năm qua, giáo viên trường tình thương Ái Linh, Q 7 – TP. HCM xin chia sẻ một vài kinh nghiệm đã được áp dụng và thành công trong việc giúp các em hòa nhịp với trường lớp mới…
Ban Truyền thông CND – CSA tổng hợp