Cuộc đời có giá trị – Đâu là chìa khóa ?
Ai cũng ước mơ một cuộc sống hạnh phúc, thành công…nhưng hạnh phúc có nhiều bộ mặt, và mỗi người có những quan niệm về hạnh phúc khác nhau, cách tìm hạnh phúc cũng khác nhau. Về mặt thành công cũng thế. Có người cho rằng kiếm ra nhiều tiền là thành công, kẻ khác cho rằng có công việc ổn định, học hành đỗ đạt, địa vị cao là thành công. Thành công cũng có thể không đi đôi với hạnh phúc và trái lại. Nhưng những người thành nhân, người có giá trị chắc chắn thành công không xa. GIÁ TRỊ của cuộc đời chủ yếu do sự chọn lựa một cách nhìn, cách sống, và thái độ sống.
Phải, thái độ của mỗi người trước cuộc đời, trước sự thành bại, chọn lựa rất khác nhau. Có nhiều người luôn ngồi chờ cơ hội đến gõ cửa nhà mình, họ không đủ can đảm để đi tìm nó. Người Việt Nam chúng ta có câu “há miệng chờ sung”, nhưng biết khi nào thì sung rụng? và tôi chợt nghĩ, nếu có sung rụng thì đó là loại sung gì ? lỡ sung thối thì sao? Có phải tốt hơn là chúng ta tự leo lên cây sung và chọn hái quả nào mình thích, vào lúc nào mình muốn. Đó là chủ động tạo nên cơ may cho đời mình. Câu chuyện sau đây của nhà thuyết giảng Charles Hobbs sẽ minh chứng cho điều này. Charles kể :
Một ngày nọ, có một bà dùng số tiền ít ỏi dành dụm được để mua vé vào nghe buổi nói chuyện của một diễn giả nổi tiếng thời đó. Câu chuyện của ông đã gây xúc động mạnh, nên bà kiên nhẫn chờ được gặp mặt ông ấy. Khi gặp, bà thổ lộ :
– Trong cuộc đời, có được cơ hội tuyệt vời như ông quả thật là hạnh phúc.
– Thưa bà, bà chưa từng có cơ hội nào sao ?
– Chưa, tôi chưa bao giờ có cơ hội nào để đổi đời.
– Bà làm nghề gì ?
– Tôi gọt hành và khoai tây cho quán ăn của chị tôi.
– Bà làm việc này bao lâu rồi ?
– Ồ mười lăm năm cực khổ rồi thưa ông.
– Thế bà ngồi ở đâu ?
– Ở bậc thềm thấp nhất trong nhà bếp.
– Thế bà để chân ở đâu ?
– Trên sàn nhà.
– Sàn nhà làm bằng gì ?
– Bằng gạch.
– Ồ, bà có chịu làm cho tôi một bài tập không ? Tôi muốn bà viết cho tôi một bài về gạch. Bà hứa với tôi chứ ?
Những câu hỏi của một nhà diễn thuyết tài giỏi “vớ vẩn” vậy sao? Nhưng cũng thật là khó từ chối với người từ lâu mình ngưỡng mộ như thế.
Ngày hôm sau, khi ngồi làm việc bà cứ ngắm nhìn những viên gạch trước mắt; và sau đó, thử cạy một viên ra, bà quan sát rồi đi hỏi thăm tận lò đúc. Bà hỏi những thông tin liên quan đến gạch; bà còn đến thư viện tìm thêm… và bà đã biết có bao nhiêu loại gạch, xuất xứ ở đâu, từ lúc nào, phẩm chất và chức năng của mỗi loại… Công việc tìm tòi nghiên cứu giúp bà mở rộng tầm nhìn, hứng thú, vì thế bà làm việc rất miệt mài. Sau cùng bà đã gởi đi một tài tiệu 36 trang về gạch. Thư bà đã được trả lời kèm với tấm ngân phiếu do bài của bà đã được xuất bản.
Rồi một bài tập mới, yêu cầu bà tìm hiểu cái gì bên dưới gạch. Lật gạch lên, bà tìm thấy con kiến, bà quan sát cẩn thận rồi lại vào thư viện tìm tòi. Càng tìm hiểu càng thấy lôi cuốn. Mấy tháng sau, bà gởi cho ông lá thư dày 350 trang. Lần này cũng được xuất bản. Thế là bà đã bỏ công việc gọt khoai và hành để nghiên cứu viết lách. Cuộc đời bà đã thay đổi hoàn toàn về nhiều phương diện.
Rất nhiều người trong chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội vươn lên. Bà phụ nữ vừa nêu ở trên đã chứng minh rằng: chúng ta không phải là nạn nhân của hoàn cảnh, mà là người biết tạo ra cơ hội cho mình bằng sáng tạo, bằng nỗ lực, quyết tâm và kiên trì.
Chúng ta cố nhớ hình ảnh này trong đầu luôn nhé.
Một ly nước đã được uống một nửa rồi. Khi nhìn vào ly nước, người tiêu cực sẽ nói rằng: “đã mất nửa ly rồi”. Nhưng người tích cực thì lại nói: “mình còn được nửa ly”. Cũng một ly nước, chúng ta thấy có hai cái nhìn : Mất và còn.
Cái khác nhau là chúng ta nhìn phần trên hay phần dưới của ly nước thôi. Cuộc sống cũng thế. Chính mỗi người chúng ta đã gán cho sự việc một ý nghĩa tùy theo cách nhìn của mình.
Còn hay mất ?
TIN VÀO BẢN THÂN
“Người bản lãnh thì tin vào bản thân mình,
người tầm thường thì trông chờ vận may”. (Benjamin Disraeli)
Nếu chúng ta luôn dựa dẫm hay trông chờ nơi người khác sự giúp đỡ, hỗ trợ, điều này đôi khi cần thiết, nhưng mặt khác chúng cũng là cơ nguy. Tại sao? Vì nếu như một lúc nào đó người ta từ chối hay không có thể giúp chúng ta được nữa thì sao? đời mình sẽ trở nên như thế nào? Abraham Lincoln, một vị tổng thống tuyệt vời, khởi đầu cuộc đời chẳng mấy may mắn, kể cả về bản thân lẫn gia đình. Ông đã dựa trên kinh nghiệm sống của chính mình mà khẳng định như sau :
“Thành đạt không phải do sự giúp đỡ của người khác, mà do lòng tự tin.”
Những nhà tâm lý luôn nhấn mạnh đến trách nhiệm của bản thân trên cuộc đời mình, đến tinh thần tự lập, tự quyết của một người trưởng thành cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng: Không tin vào bản thân mình thì thật là chuyện đáng thương hại! Đem thành bại của bản thân ký thác ở người khác thì thật đáng tiếc!
Phải, ngoài những hành trang khác, các phụ huynh và bạn trẻ nhớ chuẩn bị thêm một loại hành trang không thể thiếu nữa cho con em hay cho chính mình vào đời. Đó chính là lòng TỰ TIN, lòng tự tin giúp chúng ta có thể làm chủ và nắm lấy vận mệnh đời mình. Dù cảnh đời như thế nào đi nữa, bản thân của chúng ta vẫn là tác giả, đời tôi chính là sản phẩm của bản thân tôi chứ không là của ai khác.
Lòng tự tin chính là cột sống cho cuộc đời của mỗi người vì :
– Chính bản thân mình cần phải đối diện với những thách đố, những cạm bẫy, những khó khăn hay những cám dỗ từ bên ngoài cũng như những xu hướng tiêu cực từ bên trong con người mình.
– Chính bản thân mình cần phải dấn bước vào đời, bắt tay vào việc. Trong tương lai, phải mang trách nhiệm không những cho bản thân mình mà còn cho vợ/chồng, con cái và lắm lúc phải gánh vác cả cha mẹ lẫn anh em nữa.
– Chính mình cần phải làm việc, sáng tạo, tương quan với những người mà cuộc sống gởi đến…
– Chúng ta là tác giả đời mình. Đời mình sẽ ra sao đây ??? Một cuộc đời đáng sống, có giá trị, có phẩm chất, có ý nghĩa, có ích và thanh cao…, hay lây lất tầm thường, vô vị ?
Làm sao chúng ta có thể hiên ngang, yên tâm để làm ngần ấy thứ, để bước vào cuộc đời này, nếu chúng ta không tự tin và không có sức mạnh nội lực ?
Vượt lên phía trước
là một công việc đòi hỏi lòng tin tưởng
khát khao vào bản thân.
Đó là vì sao vài người
với tài năng tầm thường
nhưng có chí tiến thủ lớn lao
lại đi xa hơn nhiều
những người với tài năng vượt trội hơn hẳn
Sophia Loren
Những nhà khôn ngoan đã thường bày tỏ: Chính niềm tin của chúng ta dệt nên cuộc đời của mình và cho hoàn cảnh một ý nghĩa
– Với lòng tự tin người ta mới dám làm, dám nói cũng như dám bày tỏ con người, ý nghĩ và tâm tình thật của mình.
– Với lòng tự tin người ta mới sống thật với con người của mình mà không sợ bị phê phán.
– Với lòng tự tin người ta không sợ thất bại hay dám bắt đầu lại, dám chỗi dậy sau những lần té ngã hoặc gặp vận rủi ro.
– Với lòng tự tin, chúng ta mới dám từ chối làm theo những lời khêu khích, thách thức hay mời mọc của bạn bè xấu.
– Với lòng tự tin chúng ta mới dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo mà không sợ thất bại hoặc chê bai.
* Lòng tự tin chính là một nguồn lực đẩy chúng ta tiến tới.
* Lòng tự tin cho phép chúng ta sử dụng hết được tiềm năng, và dồn hết năng lực của bản thân vào hành động.
* Lòng tự tin giúp chúng ta dám bắt tay vào thực hiện những ước mơ, hoài bão của mình, qua đó mình có thể thực hiện được con người mình. Với kinh nghiệm hành động, chúng ta sẽ học thêm được sự khôn ngoan, làm cho cuộc đời trở nên phong phú. Và qua những thành bại, mình mới thực sự “lớn lên”; vì “Ai nên khôn, không khốn một lần?” Cái khác nhau giữa chúng ta đó là “dậy mà đi”, và chỉ có những người tin vào bản thân mới dám dậy mà đi thôi !
“Trong đời có một điều tệ hại hơn thất bại,
đó là không dám thực hiện”
Franklin Roosevelt
Lòng tự tin được hình thành và xây dựng không phải do trí thông mình, cũng không do có đầy đủ những phương tiện vật chất hay giàu có, cũng không do vận may. Lòng tự tin có được chính ở cách giáo dục, và ứng xử của người thân… thời thơ bé. Nhưng với các bạn trẻ là do sự tập luyện lâu dài và do cái nhìn của mình về bản thân.
– Nếu thái độ, cách ứng xử của cha mẹ đối với con cái luôn tế nhị, tôn trọng, sẽ giúp trẻ thêm tự trọng và phát huy lòng tự tin.
– Nếu trẻ sống trong bầu khí thương yêu, trẻ thấy mình quan trọng và có giá trị, chúng sẽ tự tin vào bản thân.
– Nếu trẻ được chấp nhận như mình là, chúng sẽ an tâm làm những gì chúng muốn.
Câu chuyện sau đây sẽ minh chứng cho những gì được nêu ở trên.
Một cô sinh viên rất xinh đẹp, thông minh, và là học sinh xuất sắc suốt thời cấp II và cấp III, con duy nhất của một giáo sư, thế nhưng cô lại phải đến tìm tư vấn vì lý do bị mặc cảm.
Điều gì đã khiến một con người có đủ điều kiện khách quan như thế trở nên một người mặc cảm, một đối tượng cần tư vấn ?
Đó chính là sự chờ đợi và cách ứng xử của bố mẹ: gia đình luôn mong muốn và thúc đẩy cô học tập, họ không bao giờ hài lòng với những gì cô đang có, mà muốn con phải tiến hơn nữa, kết quả cao hơn, phải hơn người, phải đứng đầu… Từ nhỏ đã cố gắng nhiều, nhưng chẳng bao giờ cô được cha mẹ tỏ ra hài lòng, thừa nhận những kết quả đó, trái lại cô gái cứ thấy mình chưa đạt. Phải, đối với người khác, cô ta đã đạt quá nhiều thành quả, nhưng trước sự kỳ vọng của bố mẹ thì cô vẫn là người chưa làm họ hài lòng. Cô chỉ được nghe “chưa được, chưa đạt…” vì thế, cô vẫn mang trong lòng một sự bất an, và cho rằng mình là một người chẳng có giá trị, chẳng làm được gì ! dần dà những tư tưởng ấy thống trị trong đầu óc non nớt của cô cho đến lớn và mặc cảm hình thành từ đó. Những lời động viên, thừa nhận khả năng và cố gắng hết mực của con, dường như không bao giờ có nơi bố mẹ cô. Thật đáng tiếc !
Bên cạnh đó, một cậu bé con bà bán bún riêu ngoài ngỏ hẻm, bé mới học lớp 4 . Ngày ngày bố mẹ vất vả bận rộn với việc sinh nhai, bé thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng bé không thiếu sự nâng đỡ và cảm thông, thấy ai bé cũng mỉm cười, hỏi gì bé cũng trả lời với vẻ đầy tự tin, bé không học giỏi, nhưng bé cởi mở, hồn nhiên và dạn dĩ, dám làm, dám nói, không mặc cảm về thân phận mình. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt này ? Sau đây là một sự kiện cụ thể:
Một hôm chú bé được bảy điểm ở lớp về bài học thuộc lòng. Bé hí hửng khoe với mẹ. Mặt bà mẹ sáng lên và khen con “giỏi”. Vài hôm sau có mấy bà trong xóm đang ngồi quanh gánh bún, và cậu bé đi ngang qua. Bà mẹ liền khoe: “Bé nhà tôi giỏi lắm, bé được bảy điểm về bài học thuộc lòng” rồi bà khuyến khích bé đọc cho tất cả nghe. Với lòng tự tin bé liền bắt đầu đọc. Tuy đọc chưa đạt, vì chỉ bảy điểm, nhưng bé thích thú và tự tin đọc lớn. Bé được sự thừa nhận của mẹ, và với đôi mắt nhìn con trìu mến pha lẫn chút tự hào. Bà mẹ tin vào khả năng của con.
Điều chính yếu là bé thấy mình quan trọng, mình “có giá” đối với bố mẹ. Một điều nhỏ giúp chúng ta hiểu tại sao cậu bé này lại tự tin hơn biết bao trẻ em sinh ra trong những gia đình đủ điều kiện vật chất và có học hơn mình. Vì bé có một bà mẹ biết động viên con, biết thừa nhận những khả năng rất giới hạn của con, biết tỏ ra quý cái vốn ít ỏi ấy, và vui thích với những gì con mình đang có. Bà không thúc ép, nhưng khuyến khích qua thái độ, qua ánh mắt…vì thấy bố mẹ tin và đánh giá cao về mình.
Cách dạy dỗ, thái độ và bầu khí gia đình đã đem lại cho bé lòng tin ở bản thân, bé vui vẻ lớn lên, tự tin đi vào đời mình. Cậu bé này đã cảm nếm hạnh phúc và cảm thấy an toàn ngay trong chính gia đình mình !
Còn các bạn trẻ, nếu tuổi thơ và cha mẹ không tạo cho mình được lòng tự tin thì sao ?
Chúng ta vẫn có thể dùng một số nguyên tắc giúp xây dựng lòng tự tin sau đây:
– Chấp nhận và tập hài lòng với những gì mình đang có. Điều này không có nghĩa là an phận, nhưng là sống thực tế. Người thực tế thường thành công và quân bình.
– Đầu đời nên bắt đầu với những mục tiêu nhỏ, công việc dễ, những điều này giúp mình dễ đạt tới thành công, nhiều thành công và hành động sẽ cho thêm kinh nghiệm và tự tin; sau đó tiến dần đến những việc lớn hơn, quan trọng hơn.
– Sau mỗi thành công nhỏ nên tự thưởng mình một chút, thừa nhận thành quả mình đã có, và những cố gắng, nỗ lực của mình. Điều này được xem như một hình thức thêm năng lượng để đi tiếp. Thường xuyên tự nhủ : “mình cũng được đấy chứ !” , “lần đầu như vậy là khá rồi !”, “rút kinh nghiệm, lần sau sẽ khá hơn”…
– Tự động viên khuyến khích mình. Làm sao trên môi và trong trí luôn có những từ: “tôi có thể” đây là ba từ “magic” đã làm xoay chuyển bao cuộc đời, giúp tiếp bước, tiến lên và chỗi dậy cũng như nhảy qua được những rào cản trong cuộc sống thực tế. Điều này trông đơn giản và dễ thật, nhưng kết quả không ngờ đấy.
– Chú ý, nghĩ đến và dừng lại trên những khả năng, những gì mình đã làm được, những nét tích cực của mình, thay cho những lời phàn nàn hay tự chỉ trích mình.
– Phân biệt rõ giữa điều mình là và điều mình làm. Mình có thể làm vài điều sai hay thất bại. Nhưng mình không phải là người xấu hay người thất bại.
– Gạt bỏ ra ngoài những lời nói tiêu cực đã được nghe, những kỷ niệm buồn, và cố gắng nhớ lại những gì đã làm được, những lúc mình can đảm, vui thích, hứng khởi…
– Coi là bình thường và chấp nhận rằng không phải “mọi người” ai cũng thích mình, thương mình và hài lòng về mình, về công việc và cách ứng xử của mình. Thực tế là thế ! thường đây chỉ là một số rất nhỏ thôi. Đừng để cuộc đời mình nhuộm đen vì một vài đám mây nho nhỏ này.
– Nên tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và sống gần những người vui tính, hăng hái, lạc quan và tự tin. Bạn sẽ được hưởng nhờ và lây nhiễm những điều này đấy !
– Các bạn xem lại “sự chờ đợi” và cách ứng xử với chính bản thân mình. Nếu chờ mong vào bản thân quá cao so với khả năng thật. Trong thực tế điều này sẽ dễ dẫn đến thất bại, chán nản, buông xuôi. Kết quả sẽ cho chúng ta cái nhìn và đánh giá mình thấp, dần dà sẽ mất đi lòng tự tin.
Tập được lòng tự tin là một tiến trình dài cần nhiều ý chí và sự kiên nhẫn. Nhưng đó chính là chìa khóa mở vận may cho đời mình. HÌNH ẢNH mình có về MÌNH là yếu tố hình thành con người của ta và nó chi phối các mối tương quan. Lòng tự đem nhiều hiệu quả tích cực cho đời mình, kể cũng đáng cho mình cố gắng !
“Không có phán đoán nào quan trọng hơn đối với con người. Không có yếu tố nào quyết định sự phát triển tâm lý và động lực của của một người hơn là sự đánh giá mà họ có về họ” (Branden)
Chúng ta có thể nói rằng: Người nào có niềm tin vào bản thân, can đảm nhảy vào cuộc thử lửa, người đó xứng đáng nhận hưởng được thành quả. Câu chuyện của Mẫn Chi sau đây sẽ chứng minh lời của Branden đã nói.
“Một hôm, nơi vùng xa xôi hẻo lánh có chiếc xe hơi chạy vào. Chuyện lạ hiếm thấy, nên ai cũng đổ xô đến xem. Một số người trên xe bước xuống. Một người đàn ông trung niên lên tiếng:
– Các bạn có thích đóng phim không ? Ai thích thì đứng sang bên này.
Mấy lần hỏi mà chẳng ai trả lời, họ chỉ bàn tán với nhau thôi.
Bất chợt có một cô gái tuổi độ mười lăm, mười sáu mạnh dạn bước ra và nói :
– Cháu thích đóng phim .
Người trung niên nhìn cô gái chẳng có gì đặc biệt, mắt nhỏ, má hồng và trông có vẻ ngang bướng.
– Cháu có biết hát không ?
– Dạ cháu hát được. Cô gái nói một cách quả quyết.
– Vậy cháu thử hát một bài chú nghe nào !
– Dạ được ạ
Cô gái hát ngay và còn cho thêm cử động phụ hoạ. Cả làng đều cười vui vẻ, dù cô gái hát rất dở, lạc giọng và sai, nửa chừng còn quên mất ca từ . Thật bất ngờ, người đàn ông kia vỗ tay khen:
– Được lắm, chú sẽ chọn cháu.
Cô gái gan dạ kia là Ngụy Mẫn Chi và người đàn ông trung niên là đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu. Một thời gian sau, Mẫn Chi được đóng vai chính và tiếng tăm cô vang dội khắp nơi.
Điều gì đã đưa Mẫn Chi đến thành công này? Cô được chọn chắc chắn không phải vì tài nghệ của mình, nhưng chính là do lòng tự tin của cô.
Lòng tự tin giúp cho nhiều người đứng dậy sau những lần vấp ngã hoặc thất bại, giúp nhiều người bắt đầu lại sau nhiều thử nghiệm không thành công. Lòng tự tin khiến nhiều người dám lấy những quyết định mang tính đột phá, nhiều người khác tận dụng hết năng lực mình có khi làm việc hay khi vượt khó…
Lòng tự tin đem lại biết bao lợi ích cho cuộc sống chúng ta. Vì thế, cha mẹ hay thầy cô cùng các bạn trẻ cố gắng xây dựng cho mình và con em phẩm chất quý giá này từ rất sớm trong đời. Với các bạn trẻ, các bạn cần nỗ lực để tự tạo cho mình. Vì lòng tự tin là yếu tố thành công và giúp mỗi người vững bước trên đường đời.
Ngoài ra, chúng ta cần nhạy cảm để nhận ra nhu cầu, và giúp cho những người mất định hướng và niềm tin quanh chúng ta lấy lại được niềm tin vào bản thân và cuộc sống. Vì điều này có nghĩa tương đương với sự “cứu vớt” người khác ra khỏi những cơ nguy để làm lại cuộc đời như trường hợp ông chủ sau đây :
Một ông chủ nọ dốc toàn bộ vốn liếng của mình để đầu tư vào ngành chế tạo máy cỡ nhỏ, không may lại xảy ra cuộc thế giới đại chiến thứ hai. Ông không làm sao tìm đủ nguyên liệu đầu vào cho nhà máy của mình, đành phải tuyên bố phá sản. Ông rất đau buồn vì khoản tiền đầu tư rất lớn bị mất trắng, trong tâm trạng tuyệt vọng, ông bỏ vợ con đi lang thang. Đi mãi ông vẫn không dứt khoát được cảm giác đau đớn, và quyết định tự kết liễu đời mình.
Trước khi định nhảy xuống hồ, ông bước lững thững trên phố như kẻ không hồn, tình cờ nhìn thấy cuốn sách có tựa đề “Lòng tự tin”. Ông đọc và lấy lại được niềm tin, ông cố gắng đi tìm cho ra tác giả và nhờ giúp đỡ.
Ông kể hết những bước đường thất bại vừa qua. Tác giả tỏ ra đồng cảm và nói :
– Chuyện của ông thật cảm động, tôi rất ngậm ngùi và rất muốn giúp đỡ ông, nhưng rất tiếc là tôi không đủ khả năng.
Mặt ông chủ biến sắc, hy vọng đã tiêu tan, ông lẩm bẩm trong miệng “thế là hết”.
Tác giả cuốn sách trầm ngâm giây lát và nói tiếp :
– Cho dù tôi không đủ khả năng giúp ông, nhưng tôi có thể giới thiệu ông đi gặp một người, có thể giúp ông gây dựng lại cơ nghiệp.
Ông chủ lóe lên tia hy vọng và năn nỉ :
– May mà trời còn có mắt, xin ông vui lòng dẫn tôi đi gặp người đó ngay.
Tác giả đưa ông đến trước một tấm gương lớn rồi chỉ vào trong gương và nói :
– Người tôi định giới thiệu chính là ông ta đó, trên đời này chỉ có người đó có thể giúp ta tìm lại niềm tin từ đầu thôi. Bây giờ ông hãy ngồi bình tĩnh lại để xem xét, đánh giá về người này, rồi làm quen với nhau. Người đó mà từ chối thì coi như đời ông chẳng còn có ý nghĩa gì nữa, chỉ có hồ Michigan đang chờ ông thôi.
Sau đó ít hôm, tác giả sách lại gặp ông chủ trên phố. Một con người thật sự khác hẳn, ông đã biến đổi. Bước đi mạnh mẽ, tự tin, đầu ngẩng cao, ăn mặc trang trọng, ông mang vẻ của một người thành đạt.
“Kể từ sau ngày gặp ông, tôi về nhà, ngồi trước gương tự nhìn nhận lại mình, và tôi đã lấy lại lòng tự tin rồi tôi đi tìm việc. Bây giờ tôi đã có chỗ làm với ông chủ tốt bụng… Tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lại ông với tấm ngân phiếu để trống để ông điền vào khoản tiền mà ông muốn… Vì nhờ ông mà tôi nhận ra chính mình, lấy lại lòng tự tin và đã tìm ra lối thoát”.
Với các bạn trẻ, câu chuyện sau đây có lẽ sẽ gợi ý cho các bạn chọn một thái độ, một niềm tin thích hợp đối với bản thân. Phải, người bạn tốt nhất của mỗi chúng ta luôn vẫn là: chính mình
Chừng hơn một thế kỷ trước, có một cậu bé tuy còn nhỏ nhưng đã phải bỏ học để giúp đỡ gia đình. Năm 15 tuổi, cậu rất có hứng thú với các loại xe cộ, máy móc nên cậu xin làm việc trong một nhà xưởng. Cậu thậm chí đã đăng ký các khóa học ngoài giờ về máy móc, và thường thì sau một ngày làm việc dài ở nhà xưởng, cậu ngồi ngay ở bàn bếp nhà mình, học bên ánh đèn yếu ớt.
Khi tự cảm thấy mình đã sẵn sàng, cậu tới Công ty ô tô Frayer-Miller ở Columbus, bang Ohio (Mỹ). Khi ông chủ là Frayer để ý thấy cậu, ông hỏi:
– Này, cậu muốn gì?
– Dạ, cháu chỉ nghĩ cháu nên nói với bác rằng từ sáng mai, cháu sẽ đến làm việc ở đây ạ. – Cậu bé ngày trước, lúc này đã là một chàng trai trẻ, đáp.
– Ối chà! Ai thuê cậu vậy?
– Chưa ai ạ, nhưng cháu sẽ đến làm việc vào buổi sáng. Nếu cháu chẳng có giá trị gì, thì bác có thể đuổi cháu.
Sáng sớm hôm sau, chàng trai trẻ quay trở lại nhà máy như đã nói. Cậu để ý thấy sàn nhà ngập những mảnh vụn kim loại, dầu mỡ và bụi đất đã tích lũy qua nhiều ngày, cậu liền đi lấy chổi, lấy xẻng, và bắt đầu bằng cách dọn dẹp sạch sẽ cả khu nhà.
Chính vì lòng tự tin và nhiệt tình với công việc, nên tương lai của chàng trai đó, Eddie Rickenbacker không phải là khó đoán đối với nhiều người. Anh tiếp tục làm việc và xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ô tô, máy bay, và rồi đã thành lập một công ty mà sau này trở thành một trong những công ty hàng không lớn nhất nước Mỹ – Eastern Airlines.
Không có viên thuốc thần kỳ nào để trở thành một người tự tin ngay lập tức. Nhưng lòng tự tin bắt đầu với một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn: mối quan hệ với chính bản thân mình.
Nt. Marie Thécla Trần Thị Giồng, CND – CSA