CND tại Việt Nam của tôi – 80 tuổi trừ 15 (kỳ cuối)

6

Công Tâm: Giờ học thính thị

 Phần tôi, là lính mới, được phân công giúp mẹ Jean-Marie kiểm lại công việc các nhân viên vệ sinh của trường. Mẹ rất kỹ, đến độ ai thấy một cái vít ở bàn ghế bị lỏng hay sút mất thì phải báo ngay, nên đồ vật trong các phòng học, các giáo cụ, không hề suy suyển. Tôi cũng giúp phòng thánh, học nơi mẹ Thérèse de Jésus cách làm việc tỷ mỉ, trân trọng, khi đụng tới những đồ vật dành cho phụng tự. Việc dạy học thì tôi được giao làm chủ nhiệm một lớp 6e, kiêm dạy Pháp văn và Anh văn, dưới sự hướng dẫn của mẹ Marie-Régis, một người vô cùng ít nói, nhưng, đối với tôi, mẹ nói gì cũng đều như nhả ngọc phun châu…

Mỗi kỳ nghỉ hè, cả cộng đoàn Regina Mundi lên Đà Lạt, vì trước khi được canh tân theo tinh thần công đồng Vatican, Dòng Đức Bà vẫn giữ luật bán nội cấm, nên không có chuyện đi tắm biển, về thăm gia đình, v.v… như hiện nay. Do đó, hai cộng đoàn ĐA-SA như chỉ là một: trọn mấy tháng hè được cùng nghỉ ngơi, vui chơi, giới thiệu cho nhau những tiến bộ trong các ngành chuyên môn…, và tĩnh tâm chung với nhau. Những mùa hè thật phong phú.

7                                  8

                           Xóm Lách                                          Sr. Marie Gabriel với một lớp học sinh trường Thiên Lý

♥♥. ♥♥♥    Đầu năm 1966 lên Đà Lạt chuẩn bị vĩnh khấn, tôi được làm quen với một lớp người mới là những chị em rất trẻ đang trong thời kỳ huấn luyện sơ khởi. Bởi vì năm 1963, Nhà Dòng đổi “chiến lược”: mỗi nước huấn luyện nữ tu của mình ngay trên đất nước mình, để chị em không bị mất gốc. Và Đà Lạt là Nhà Tập tiên khởi của CND tại Việt Nam, với C.Marie-Catherine làm giáo tập Việt Nam tiên khởi.

1

 Ngoài ra, tôi còn làm quen với một dòng nữ khác : các Chị Mến Thánh Giá Huế, được Đức Cha Nguyễn Kim Điền nhờ Mẹ Marie-Christophe huấn luyện, với chị Marie-Joseph làm phụ tá. Các chị lên ở nội trú trong khuôn viên Đức Bà Lâm Viên, theo từng đợt.

9

1965-Các chị Mến Thánh Giá Huế
với Mẹ Marie Christophe và Mẹ Marie Joseph

 Cũng có một “chiến lược” thứ hai: chương trình học ở hai trường của Nhà Dòng -tại Đà Lạt trước tiên- đã từ từ chuyển qua chương trình Việt từ niên khóa 1965-66, tuy trình độ hai sinh ngữ Anh và Pháp vẫn được giữ tương đương với trình độ bên chương trình Pháp.

 10

02 – 7 – 1966, sr. Marie Amélie và sr. Marie Baptiste Nguyễn Thị An khấn trọn.
Sr. M. Paula Tăng Ngọc Điệp và sr. M. La Vang Trịnh T Toàn Hạnh vào nhà tập

 Sau ngày vĩnh khấn, giữa tháng 9 năm 1966, tôi được gởi đi phục vụ tại cộng đoàn “Thần Hy Chi Hậu” (Our Lady of the Rising Light) của Nhà Dòng tại Hồng Kông.

11

Cộng đoàn Thần Hy Chi Hậu tại Hồng Kông

♥. ♥♥♥    Sau thời gian dài xa quê hương, tôi trở về Sài Gòn vào tháng 7 năm 1974, và bỡ ngỡ thấy Tỉnh Dòng ở đây đã thay da đổi thịt thêm nhiều.

 Tất cả là nhờ cuộc đổi mới do Công Đồng Vaticanô II khởi xướng.

Năm 1969, Công Đồng phê chuẩn cho chúng tôi khôi phục căn tính tông đồ -không còn là bán chiêm niệm với bán nội cấm nữa (như Công Đồng Trentô đã buộc vào thời Hội Dòng khai sinh)-, nên cuộc sống các nữ tu Dòng Đức Bà như một cây cổ thụ bỗng nở rộ bông hoa.

Năm 1972, bông hoa đầu mùa hé nở tại một xóm bình dân ở Phú Nhuận, khi CC. Marie-Gioan, M.Joseph và Marie-Hélène tình nguyện ra khỏi môi trường Regina Mundi, đi định cư trong một căn nhà nhỏ, tuy vẫn đến trường Regina Mundi dạy học như trước.

Năm 1973, hai ngôi nhà được tậu ở Bình Thạnh, một để làm Nhà Thử Thanh Tâm và một cho cộng đoàn Liên Tâm. Từ cộng đoàn này, chị em tỏa ra nhiều nơi với những công tác mới mẻ, nâng đỡ một xã hội mang nhiều vết thương do chiến tranh ngày càng ác liệt.

Nhựa sống làm nẩy sinh những hoa trái ấy chính là một ưu tư mới của Hội Dòng, học từ Công Đồng Vaticanô II: dành ưu tiên cho người nghèo. Sống nhiều hơn giữa họ, chúng tôi không còn quá xa cách nữa, trong bộ tu phục là áo dài Việt Nam.

            . . . . .

♥♥♥     Chắc hẳn không cần kể lại niên khóa cuối đã diễn ra như thế nào cho đến ngày 30-4-1975 : tất cả trường học đều trải qua một bước ngoặt chung, trong cuộc chuyển mình lịch sử của cả nước.

Trong một thời gian dài, chị em Việt Nam đều tập trung tại Sài Gòn để hợp lực ứng phó với hoàn cảnh mới. Nhà Đà Lạt được cô Duyên, người giáo viên thân tín, can đảm và trung thành bảo quản cho đến khi cộng đoàn nữ tu được khôi phục tại Couvent vào năm 1994.

Tại Sài Gòn, chị em nữ tu vẫn tiếp tục dạy học, hòa mình với các thầy cô từ xa đến cũng như là kỳ cựu của trường. Cho đến ngày Nhà Nước buộc các nữ tu phải chọn lựa : một tu  / hai dạy… Nhưng chúng tôi thì khẳng định : chúng tôi không thể chọn chỉ một trong hai, vì như thuở Hội Dòng khai sinh trước đó gần 400 năm, chúng tôi đi tu cốt là để dạy học, làm công tác giáo dục.

Thế là chúng tôi tiếp tục công tác tại trường, và sau này còn đi ra bên ngoài rộng hơn, vào nhiều môi trường khác nữa, đáp lại lời mời của nhiều cộng đồng trong xã hội và Giáo Hội.

Ngoài ra, để đáp ứng các nhu cầu ngày càng phức hợp trên đất nước, Thánh Thần Sáng Tạo đã thúc đẩy chúng tôi thành lập cánh Thành viên Liên hiệp của Hội Dòng cùng thời với những môi trường giáo dục mới, như đài truyền hình, đại học, trường tình thương, tư vấn tâm lý, ký túc xá cho học sinh / sinh viên, với sự hiện diện của những cộng đoàn mới ở những tỉnh thành xa…

Trong việc hoàn thành sứ vụ ở các địa điểm mới ấy, vai trò và tấm lòng của các anh chị Thành viên Liên hiệp và cựu học sinh -trong nước cũng như ngoài nước- đã tỏ ra vô cùng kiên vững và hữu hiệu qua nhiều năm tháng.

Kết thúc phần chia sẻ này, xin ghi nhớ công ơn của các chị truyền giáo đã xây dựng CND Việt Nam từ 80 năm qua, cũng như của tất cả các cộng tác viên, ân nhân và bạn hữu xa gần. Để xin phúc lành của Thiên Chúa xuống dồi dào trên tất cả quý vị.

M.Amélie Nguyễn Thị Sang