CND tại Việt Nam của tôi – 80 tuổi trừ 15 (Kỳ 2)
Cuối niên khóa 1957, cả lớp triết “Symphonie” chúng tôi, gồm 14 người, đều đậu tú tài II. Ai nấy vui mừng vì “bản giao hưởng” không có nốt lạc điệu!
Nhưng hoa trái đáng kể nhất của hai năm học ấy là, sau kỳ nghỉ hè, tôi và Chị Eliane An (sau này là M.Baptiste, vốn là dân Marie Curie cũng được thu hút để lên học Couvent sau trại hè 1955) được “ươm” mầm tu ngay tại Đà Lạt trong 6 tháng, trước khi chính thức đem qua trồng tại Noviciat Général bên Pháp. Vì có thêm chúng tôi, nên tầng nóc phần tu viện được trang bị thành những phòng cá nhân, coi như thêm một tầng lầu mới cho Couvent, ngay dưới mái nhà!
Cuối phần viết về trường Couvent thời ấy, xin nhắc đến những người tôi quí mến trong hai năm học tại đó, vì chính các vị ấy đã góp công xây dựng không chỉ ngôi trường vật chất, mà còn là ngôi trường trong lòng học sinh, giúp họ tiếp tục lớn lên, vững bước trên đường đời:
- Mẹ Marie Jeanne d’Arc, bề trên,
- Mẹ Marie de l’Enfant Jésus (người Luxembourg), phó bề trên và giám học khối lớp lớn, dạy tiếng La Tinh và hay gợi ý mời học trò đi tu,
- Mẹ Marie-Paule, đã lớn tuổi, làm quản lý và lo vườn hoa, thường xuyên bị học trò ăn cắp bông hoa, nên hay lên tiếng run run than thở : “tôi chỉ thấy những cái búp bông thôi hà…”
- Mẹ Marie-Raphaël, dạy sử-địa, hay nhảy dựng khi học trò đọc sai tên các nhân vật lịch sử,
- Mẹ Marie de l’Annonciation, chủ nhiệm lớp 2nde, mất vào hè 1957, cho tới nay là người Pháp duy nhất của Dòng để xác tại Việt Nam,
- Mẹ Marie-Renée, dạy piano, năm sau bị bệnh phải về nước chữa trị,
- Mẹ Marie de la Miséricorde, dạy piano, đệm các vở nhạc kịch rất hay,
- Mẹ Marie de Béthanie, chủ nhiệm lớp 3e, dạy hợp xướng thật chuyên cho các thánh lễ,
- Mẹ Marie-Geneviève, dạy toán-lý rất tài, cư xử thật công bằng với học sinh,
10.Mẹ Marie-Chantal, giám học khối lớp nhỏ, giáo dục trẻ nhỏ rất nghiêm và hữu hiệu,
11.Mẹ Saint-Benoît, giám học khối lớp trung, dạy Anh văn, rất vui tính ; năm 1965 sẽ thuộc nhóm truyền giáo đầu tiên qua Hồng Kong,
12.Mẹ Marie de l’Assomption, dạy khối lớp trung và nhỏ, đầy năng lực để tìm và tập hát những ca khúc sinh hoạt thật vui, đầy chất sư phạm,
13.Mẹ Marie-Christilla, chủ nhiệm lớp 1ère, dạy văn chương Pháp, mỗi đầu tuần hợp lớp để lưu ý chúng tôi nên tránh lặp lại những thiếu sót của tuần qua (thay vì gặp đâu rầy đó),
14.Mẹ Marie-Nicole, dạy hóa và khoa học tự nhiên, một tấm gương âm thầm mà sáng chói,
15.Mẹ Marie-Berchmans, người y tá nhanh nhẹn, luôn đúng giờ, đúng phương pháp,
16.Mẹ Marie-Emmanuelle, phụ trách nhân viên, đặc biệt lo trang phục học trò luôn tươm tất,
17.Mẹ Marie-Denise, phụ trách nhà bếp, luôn lo sao cho học trò không phải cầu cứu ba mẹ tiếp tế,
18.Mẹ Marie-Gabriel, phụ trách môn Việt văn, một nhà thơ còn tiềm ẩn,
19.Mẹ Marie-Lætitia (người Anh), dạy Anh văn, người rất độc đáo,
20.Mẹ Thérèse de Jésus (nữ tu Việt Nam tiên khởi của Dòng), dạy Việt văn,
21.Mẹ Françoise de Jésus, phụ trách nhà khách, hoạt bác, nụ cười luôn trên môi,
22.Mẹ Marie-Véronique, chủ nhiệm lớp triết, là người Pháp có bà ngoại người Việt, nên nói tiếng Việt giọng Hà Nội chính hiệu,
23.Mẹ Marie-Zoïla, đặc trách huấn luyện các Chị Mến Thánh Giá Hà Nội cùng vào Nam năm 1954 với các mẹ Hà Nội (trường Notre-Dame du Rosaire).
Cũng xin nhớ ơn ông “Charles” giúp coi cửa; các ông Thiệu và “Tư Ù”, đầu bếp; bác Năm, tài xế; ông Cảnh thợ mộc lành nghề; chị Lục nhà may; hai bà Lữ và Lạc ở nhà giặt; các chị Ơn, Lài, công tác vệ sinh các phòng ốc, đặc biệt làm cho các sàn nhà bóng loáng lên theo định kỳ một cách đều đặn… Các vị luôn sẵn sàng, vui vẻ trong nhiệm vụ của mình.
Chắc chắn còn nhiều thiếu sót trong danh mục và các nhiệm vụ kể trên… Xin thứ lỗi !
Ngoài ra, có sự hiện diện của các “demoiselles”, cô giáo nội trú: CC. Cavalerie, Diệu Lan rồi Cô Tuấn, năm sau lại có thêm cháu của cô là Jacqueline Bình. Các cô ra vào nhà cơm riêng mà hay đưa mắt lướt qua các bàn cơm học trò lớn chúng tôi với cái nhìn thân ái… Lớp sắp “vào đời” chúng tôi cảm thấy như có những “đồng minh” nơi các cô vậy…
Mẹ Marie-Christilla Mẹ Marie-Véronique Mẹ Marie Nicole
♥. ♥♥ Vào cuối năm 1964, tôi trở về nước phục vụ tại Regina Mundi.
Khác với trên Đà Lạt, đây là một trường hoàn toàn dành cho học sinh ngoại trú.
Và khuôn viên đã rộng ra hơn nhiều, với 3 cổng : Charles de Gaulle, Legrand de la Liraye (hiện nay là Điện Biên Phủ) và Pasteur. Nghe kể lại: để có được miếng đất rộng như thế, các mẹ đã từng rảo bước quanh bức tường những ngôi nhà mình ước mua được, vừa lần hột vừa thảy qua bên kia tường những “médailles miraculeuses” (ảnh Đức Mẹ làm phép lạ) -và được nhậm lời-, hết nhà bên trái đến nhà bên phải, rồi nhà ở phía sau nữa…
Năm ấy, cây sứ “đại thụ” (hiện rợp bóng trên tượng Đức Mẹ Fatima bên gốc sân) mới cao đến nửa người thôi. Và trường mẫu giáo “Claire-Joie” thì ở bên kia đường Legrand de la Liraye. Khác với Đà Lạt có học trò nội trú, chị em Regina Mundi được một khoảng thời gian êm ả buổi chiều, sau khi các học sinh lớp lớn đã ra về hết.
Cộng đoàn Regina Mundi với các mẹ Trung ương cuối 1964
Phần Đông chị em cộng đoàn thời bấy giờ là người mới đối với tôi, như:
- Mẹ Marie-Claire, giám học khối lớp lớn, vừa nghiêm vừa đầy óc khôi hài,
- Mẹ Jean-Marie, chủ nhiệm khối lớp 3e, là người quản lý có cái nhìn bao quát tài tình,
- Mẹ Marie-Bernard, chủ nhiệm khối lớp 8e, rất năng động,
- Mẹ Gertrude du Sacré-Coeur, dạy Anh văn, luôn cười mím chi; năm nay đã hơn 100 tuổi,
- Mẹ Marie-Dominique, dạy Pháp văn; năm 1965 sẽ thuộc nhóm truyền giáo đầu tiên qua Hồng Kông,
- Mẹ Marie-Régis, y tá, chủ nhiệm khối lớp 6e,
- Mẹ Marie-Christiane, chủ nhiệm khối lớp mẫu giáo; năm 1965 sẽ thuộc nhóm truyền giáo đầu tiên qua Hồng Kông,
- Mẹ Marie Sainte-Anne, dạy sử-địa,
- Mẹ Marie-Annick, chủ nhiệm khối lớp 12e,
- Mẹ Marie-Noël, người có óc sáng tạo; năm 1965 sẽ dẫn đầu nhóm truyền giáo đầu tiên qua lập dòng tại Hồng Kông – được coi như một “nhà con” của Tỉnh Dòng Việt Nam.
Mẹ Jean-Marie
Tên mẹ Marie-Noël được ghi ở cuối danh sách vì có một đặc điểm về mẹ, và cần kể lại một “cơ duyên” Chúa Quan Phòng đã dành cho Tỉnh Dòng Việt Nam vào những năm 1964-65 ấy. Công Đồng Vaticanô mới khai mạc năm 1962, thì năm 1963, mẹ Marie-Noël vừa kết thúc nhiệm kỳ bề trên ở Rôma và trở lại Việt Nam lần II. Sau thời gian dài ở Rôma, hẳn mẹ được thấm đẫm những suy tư và khát vọng đã từng nung nấu tâm hồn thánh Gioan XXIII, người hiệu triệu công đồng, và bao nhiêu nghị phụ lúc bấy giờ đang hội họp.
Vậy trở lại Việt Nam lần này, mẹ đã thiết lập một khối lớp mới tại Regina Mundi: khối “Công Tâm”, với một chương trình đặc biệt, phối hợp “Sư phạm tiểu học” + “Nữ công gia chánh” + “Cán sự xã hội”. Khối lớp này nhận một số khá Đông học viên, tốt nghiệp đi dạy ở các trường tiểu học, và “công tâm” làm việc xã hội, mà khu Xóm Lách là một thí điểm sinh động. Học trò lớn Regina Mundi cũng dành mỗi tuần một buổi chiều đến đó cùng sinh hoạt.
… còn tiếp