Chuyên đề 2: Sư phạm Giáo lý

Vào lúc 14h – 16h30 chiều thứ bảy ngày 22 tháng 10 năm 2016, tại Hội trường Dòng Đức Bà, 228 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.6, Q.3, Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ và Trưởng Ban Giáo lý Tổng Giáo phận Tp.HCM đã trình bày chuyên đề: “Sư phạm Giáo lý”

Cha đã khảo sát và đưa ra những câu hỏi liên quan đến việc dạy giáo lý ngày hôm nay:

A. Trong các buổi gặp gỡ giáo lý:

+ Làm thế nào lôi cuốn các em đến với các lớp giáo lý?

+ Làm thế nào giúp các em yêu mến và hăng say học giáo lý?

B. Trong khi dạy giáo lý

+ Làm thế nào để làm chủ bầu khí và thời gian dạy giáo lý?

+ Làm thế nào để tạo tương quan thân tình và tín nhiệm với các em?

+ Làm thế nào để trình bày giáo lý phù hợp với các lứa tuổi (văn hóa lứa tuổi), sinh động và hấp dẫn, dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hành, theo tiến trình và phương pháp tốt nhất)

+ Làm thế nào ứng phó với tình huống các em nhắn tin, chơi “game”, “chat” trong khi học giáo lý?

C. Sau khi học giáo lý: làm thế nào giúp các em sống đức tin trong đời sống gia đình và nhà trường cũng như trong cuộc đối thoại với những người khác tôn giáo?

Để trả lời cho những câu hỏi liên quan đến việc dạy giáo lý hôm nay hay nói đúng hơn là để tìm được những phương thức dạy giáo lý, chúng ta cần phải thống nhất với nhau định nghĩa việc dạy giáo lý là gì. Sau đó, chúng ta mới thống nhất các phương pháp phù hợp cho việc dạy giáo lý trong thời điểm hiện nay.

1. Định nghĩa việc dạy giáo lý hôm nay:

Dạy giáo lý là một trong các hoạt động loan báo Tin Mừng, là một trong các hình thức quan trọng của tác vụ Lời Chúa và là một trong các hoạt động của giáo dục Đức Tin của Giáo hội.

+ Dạy giáo lý chính là thông truyền mạc khải: giúp học viên gặp gỡ được Chúa Giêsu và lắng nghe được lời mời gọi của Chúa, giúp họ lắng đọng tâm hồn và để Lời Chúa âm vang trong lòng họ.

+ Dạy giáo lý là giúp học viên mở rộng cõi lòng để đón nhận sự hướng dẫn cúa Chúa Thánh Thần là người thầy nội tâm, đế Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ đáp trả lời mời gọi của Chúa.

+ Việc dạy giáo lý phải được diễn ra trong bầu khí của Giáo hội vì Giáo hội chính là gia đình và môi trường để ươm mầm sống đức tin của từng học viên và từng người trong cộng đoàn Giáo hôi phải tham gia việc dạy giáo lý.

+ Việc dạy giáo lý phải nhắm tới mục đích là giúp học viên gặp gỡ và kết hiệp mật thiết với Chúa.

Từng người trong Giáo Hội phải luôn cố gắng sống cầu nguyện để xin Chúa ban ơn và cộng tác với ơn Chúa để làm cho mình có một đức tin sống động, không mù quáng, luôn kiếm tìm học hỏi; một đức tin minh nhiên tỏ tường, không chỉ tin tại tâm mà còn biểu hiện bằng những hành động bên ngoài trong suốt cuộc sống; một đức tin hữu hiệu, giúp biến đổi cuộc đời của chính người ấy, từng gia đình, lối xóm, xã hội và thế giới, thúc đẩy người ấy trở thành nhà truyền giáo.

2. Nhiệm vụ của việc dạy giáo lý:

+ Giúp hiểu biết đức tin

+ Giáo dục phụng vụ

+ Huấn luyện luân lý

+ Dạy cầu nguyện

+ Giáo dục đời sống cộng đoàn

+ Khai tâm cho việc truyền giáo

3. Sư phạm:

Giáo lý viên phải luôn học hỏi Lời Chúa, trung thành với sứ điệp của Thiên Chúa, bảo vệ chân lý đức tin, học hỏi để hiểu biết bản thân mình và con người cùng với những kinh nghiệm phong phú để luôn điềm tĩnh hướng dẫn và đồng hành với học viên.

4. Phương pháp:

Lựa chọn phương pháp hữu hiệu tùy theo hoàn cảnh mà có thể linh hoạt thay đổi từ hai phương pháp sau đây: phương pháp đi từ kinh nghiệm cuộc sống đến sứ điệp Lời Chúa hoặc ngược lại đi từ sứ điệp Lời Chúa đến kinh nghiệm cuộc sống.

Tiến trình một buổi gặp gỡ giáo lý: 6 bước

Inform

Form

Transform

1.      Vấn đề từ cuộc sống

2.      Hướng dẫn Giải pháp từ Lời Chúa

3.      Lãnh hội sứ điệp

4.      Nội tâm hóa sứ điệp

Tạo một khoảng thinh lặng là điều rất cần thiết.

5.      Biến đổi con người và cuộc sống.

6.      Dấn thân xây dựng Nước Trời (đồng hành)

Bước thứ 6: đồng hành là quan trọng. Hãy học cách đồng hành và dạy giáo lý như Chúa Giêsu gặp hai môn đệ trên đường đường Emmau:

+ Chúa Giêsu thinh lặng để lắng nghe hai môn đệ tâm sự và kể chuyện.

+ Chúa Giêsu dùng Lời Chúa (lời các ngôn sứ để trích dẫn) để giải thích cho các ông.

+ Khi hai ông vẫn chưa nhận ra Chúa, thì Chúa thực hiện việc bẻ bánh để gợi nhớ lại cho hai ông.

+ Khi các ông nhận ra Chúa rồi, thì Chúa biến mất để hai ông có một khoảng thinh lặng.

+ Hai ông tự chất vấn lòng mình, trở về với cộng đoàn và thuật lại cho cộng đoàn (việc truyền giáo)

KẾT LUẬN: Giáo lý viên phải có ơn đức tin, sống đức tin bằng cầu nguyện và đời sống mật thiết với Chúa, phải có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa và được Chúa yêu thương rồi mới có thể lắng nghe học viên và chia sẻ Tình Yêu của Chúa cũng như kinh nghiệm ấy cho học viên của mình.

*****

Chuyên đề 3: Phụng Vụ Thánh Lễ

sẽ được trình bày bởi Cha Giuse Phạm Đình Ái, Giám Đốc Học Viện Dòng Thánh Thể vào lúc 14h – 16h30 chiều thứ bảy ngày 19/11/2016, tại Hội trường Dòng Đức Bà, 228 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.6, Q.3. Xin kính mời.

Hình thức đăng ký: Gửi email về cho Ngọc Huyền (nhtiti@gmail.com) với thông tin:

Đối với cá nhân: “họ và tên” – “chuyên đề số” – “email liên lạc”.

Đối với nhóm: “tên nhóm” – “số lượng nhóm” – “chuyên đề số” – “email liên lạc”

Thời hạn đăng ký: ít nhất 1 tuần trước khi chuyên đề diễn ra.

Tham dự viên có thể chọn chuyên đề để tham gia chứ không cần phải tham gia tất cả các chuyên đề.

Mọi chi tiết xin liên hệ: Ngọc Huyền – 0916.511.902

Để biết thêm thông tin về chương trình xin vui lòng xem thêm tại: http://dongducba.net/khoa-boi-duong-giao-ly-vien/

Trân trọng thông báo.

Ban Giáo Lý Dòng Đức Bà