BẮC NHỮNG NHỊP CẦU GIÁO DỤC

Khi phái đoàn rời Paris, hàn thời biểu ghi 0 độ, đến 6 giờ sáng nay thì thời tiết thay đổi đột ngột : mặt trời chiếu sáng huy hoàng thúc giục chúng tôi tiến ngay đến thành phố Olinda (từ Olinda có nghĩa là Đẹp quá). Giống như những nhà thám hiểm Bồ đào nha  khám phá Mỹ Châu vào thế kỷ 16, xuất phát từ địa điểm lịch sử này, chúng tôi cũng khám phá xứ Brazil với nhiều nhà thờ theo kiến trúc ba-rốc và nhiều phong cảnh tuyệt vời. Chúng tôi chỉ biết dâng lời cảm tạ Thiên Chúa trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và những kỳ công bàn tay con người thực hiện. Tuy thời gian để lại dấu ấn cổ xưa, nhưng các giáo đường này vẫn biểu dương một sức sống mãnh liệt.

 Chúng tôi làm quen dần dần với những quang cảnh đối nghịch phô trương trước mắt chúng tôi tại Brazil : chỗ này từng là một phong cảnh hùng vĩ nay biến dạng thành một công trình tưởng như to tát nhưng lại bị bỏ dở dang (công nhân loay hoay lấp một ổ voi một mét vuông trên một xá lộ loang lổ), chỗ kia là những những căn nhà lụp xụp bám quanh những tuyệt tác nghệ thuật :

  • cảnh nghèo khổ thê lương song song với nếp giàu sang ngạo nghễ (những khu nhà ổ chuột nhếch nhác bên cạnh những siêu thị và cao ốc nguy nga),
  • những người nghèo nhất lại là những người rất lạc quan vui sống,
  • người dân Brazil hiếu khách và ưa thích lễ lạt, cho dù điều kiện sinh sống của phần đông thật tồi tàn, họ đón tiếp không thành kiến, và hân hoan vui vẻ dành thì giờ cho chúng tôi…

Chúng tôi rất xúc động khi chứng kiến những thực tại này, được ngắm cảnh hùng vĩ, và được dân chúng đón tiếp nông hậu.

 Một cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc : một phụ nữ tương đối cao niên giải thích cho chúng tôi biết, bà đã chế tạo những giỏ xách từ những bao bì phế thải. Thật là sáng tạo ! Bà rất hãnh diện vì nhờ vậy bà đã nuôi dạy được con cái.

 Giáo sư Jean Bitoun, một nhà xã hội học của Đại học Recife, đã phân tích hiện trạng miền Bắc Brazil và chia sẻ nhận định của ông về những thay đổi đang diễn ra ở Brazil hiện nay :

Nhip cau GD 1

  1. Cấu trúc gia đình đang biến chuyển : tỷ lệ sinh sản gần như bên Pháp, dân số Brazil tạm ngừng phát triển,
  2. Một biến cố quan trọng trong ngành giáo dục. Từ 1990, cả một thế hệ được đến trường trong khi cha mẹ chúng không hề được đi học. Nhưng vấn đề phẩm chất đào tạo các giáo viên và các nhà giáo dục vẫn chưa giải quyết xong. Một thách đố lớn cho ngành giáo dục là bảo đảm phẩm chất giáo dục. Hiện nay 20% người trẻ sống trong các ổ chuột sẽ phải tìm nghề sinh sống, 40% có thể bước qua ngưỡng cửa đại học, 40% vẫn phải tiếp tục sống trong các ổ chuột, làm mồi cho ma túy, một tệ đoan xã hội nặng nề.
  3. Một thay đổi trong tương quan xã hội. Từ khi ông Lula nhậm chức tổng thống, những người nghèo nhất được kính trọng. Nhưng ai nấy muốn thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn, và hiện nay một giai cấp trung lưu đang vươn lên.

Nhip cau GD 2

Trong bối cảnh này, các Nữ tu Dòng Đức Bà dấn thân trong công tác giáo dục thiếu nhi và giới trẻ. Tại João Pessoa, Juazeiro, Fortaleza, các chị chăm chú “ nhận định nhu cầu của thời đại ” và không ngần ngại ”  thành lập những “ ngôi nhà mới để làm tất cả những việc tốt lành có thể làm được ”, các chị tham gia hết lòng vào những dự án như “ Thư viện lưu động ”[1], “ Dọc theo đường ray ”[2]

Nhip cau GD 3

Các chị Valeria, Christina và Lucia[3] phụ trách “Thư viện lưu động” tạo cơ hội cho chúng tôi gặp những em trẻ thật yêu đời, các nhà giáo biết truyền đạt  niềm vui đọc sách. Các nhà giáo đầy nhiệt huyết, tin tưởng vào tương lai này đã chinh phục chúng tôi, tuy họ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai dự án này. Nhờ đến đọc sách tại Thư Viện lưu động mà nhiều trẻ học biết sống tự do, học thưởng thức văn chương và văn hóa của dân tộc.

 Các chị Annette, Ana Teresa, Macilène, Betka, Arlène[4], phu trách các trường học bình dân học vụ và các trung tâm giáo dục cộng đồng Semeador và Poco de Jacob[5] giải thích cho chúng tôi nghe những nguyên tắc căn bản hướng dẫn các chị trong công tác giáo dục trẻ đường phố, và đưa chúng tôi đến thăm các trẻ bất hạnh tại ngôi trường giữa đường phố quen thuộc của các em. Tất cả đều minh họa một tư tưởng của A. Guinon[6] : “ Những con người hăng say thì nâng cao thế giới, còn những người ngờ vực thì thả chìm thế giới.”

Không thể nào dửng dưng được sau những cuộc gặp gỡ như vậy, khi bắt gặp những ánh mắt nhìn chăm chú của trẻ em và nhận ra niềm hãnh diện của các gia đình khi đón tiếp chúng tôi. Các nữ tu và giáo dân xả thân trong các dự án này có một năng động phi thường, một quyết tâm sắt son tạo điều kiện cho thiếu nhi và người trẻ lớn lên, học được một nghề mưu sinh. Làm sao không thán phục các nữ tu trẻ, khi thấy các chị làm việc 19 tiếng đồng hồ mỗi ngày, vì phải vừa đi học vừa phục vụ ngoài đường phố. Đây là một tổ chức có quy củ để thực hiện một dự án tuyệt vời.

 Mục tiêu chuyến đi này là để giới thiệu cho phái đoàn gồm 3 hiệu trưởng, 4 hiệu phó, 2 giáo sư, được biết những địa điểm mà một số học sinh Pháp cấp Trung học sẽ đến sống tại Brazil trong dự án : “Gặp nhau trong ánh mắt và trao đổi văn hóa ”.

Chúng tôi có thể kết luận : Đây là một kinh nghiệm nền tảng. Đôi khi phải đi xa để thấy rõ những gì thật gần và cảm nhận được một kinh nghiệm sống. Nhờ chuyến đi này chúng tôi hiểu rõ hơn trực giác căn bản của cha Pierre Fourier và Mẹ Alix Le Clerc : Qua giáo dục, góp sức xây dựng một thế giới nhân đạo hơn. Chúng tôi có cảm tưởng sống tình huống của ngôi trường đầu tiên ở Poussay.

Để kết thúc, chúng tôi ghi lại suy tư của vài người trẻ đã có cơ may tới Brazil năm 2008 :

 Phải nói gì sau chuyến đi Brazil ? Đây là một kinh nghiệm thần diệu đáng làm một lần trong đời, để mở mắt thấy được một số điều trong cuộc sống. Đối với tôi, đây là một bài học tuyệt vời. Sau cuộc phiêu lưu này, tôi có thể nói là tôi muốn diệt bỏ mọi thành kiến. Kinh nghiệm này đã giúp tất cả chúng tôi cùng lớn lên, học chia sẻ và quen biết nhau hơn. Đây là một kinh nghiệm sống ghi sâu trong tôi và tôi nghĩ tới nhiều bạn trẻ Pháp đã có dịp may sống kinh nghiệm này. Hélène

 Ngày ngày trôi qua, chúng tôi – bạn trẻ Pháp và người dân Brazil – liên kết với nhau. Và bây giờ thì chúng tôi trao đổi trên mạng. Trong suốt chuyến đi, chúng tôi chia sẻ cho nhau những gì mình biết (có người đã dạy bơi), các bạn đã dạy chúng tôi niềm vui sống qua những sinh hoạt như hội họa, xâu cườm, thể dục. Chúng tôi ra đi với lòng phơi phới của tuổi trẻ, và chúng tôi ra về trưởng thành hơn. Đến thăm các gia đình thật nghèo, được dân cư đón tiếp niềm nở, chúng tôi hiểu rằng : sống trong cảnh nghèo nhưng họ vẫn vui sống. Mathieu

 Chúng tôi đã trao cho nhau không chỉ những lời lẽ, tình cảm và kiến thức, mà còn cả một tình bạn. Tôi không tham gia chuyến đi này để được an lòng, bởi khi ra về lòng còn nặng trĩu vì có cảm tưởng là chưa làm được gì. Một kinh nghiệm như thế này chỉ có thể làm cho người ta lớn lên mà thôi. Không nên giữ lại một thoáng buồn, mà chỉ nên lưu giữ lại những bài học, giúp chúng ta biết dừng lại để suy nghĩ về cuộc sống và những khó khăn chúng ta gặp. Chuyến đi này là một cơ may, chúng tôi cám ơn tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi. Frédérique

 Chân thành ghi ân các chị Cécile Marion và Isabel Sofia đã tổ chức chuyến đi này và tất cả các cộng đoàn đã đón tiếp chúng tôi. Yves Le Saout – Thay mặt cho Nhóm đi Brazil tháng 02.2009.

 Nhip cau GD 4

(Hình chụp tại Olinda, cùng với một số hiệu trưởng và hiệu phó các cơ sở trường học tại Pháp).

[1] Thư viện phục vụ cho trẻ em và thiếu niên vùng nông thôn không có sách để đọc và gặp nhiều khó khăn trong cách đọc sách. Đây là vùng Conde, miền duyên hải phía nam của bang Paraiba, miền Bắc xứ Brazil. Sau 10 năm hoạt động, hình thức thư viện này bắt đầu lan rộng nhiều nơi.

[2] Dự án giáo dục ở João Pessoa : giúp đào tạo giới trẻ và người lớn sống dọc theo tuyến đường tàu hỏa về các mặt nghệ thuật, thể thao, huấn nghệ (x. CND số 115 trang 15).

[3] Ở João Pessoa.

[4] Ở Juazeiro.

[5] Xem CND số 110 trang 12-13.

[6] Nhà soạn kịch người Pháp (1863-1923).