Một Đoạn Đường Hơn 70 Năm
Một Đoạn Đường Hơn 70 Năm
1947
Vừa bước xuống xe, thì hai cánh tay dài chắc chắn và êm ái đã đón lấy tôi: “Avez vous fait bon voyage? Êtes – vous fatiguée?”
Lời Mẹ Catherine de Sienne như rót vào lòng tôi và mọi sự mệt nhọc của một ngày đàng đã tan biến. Trong lúc Mẹ Marie Paule lo đưa hành lý cua tôi lên phòng, thì Mẹ Catherine de Sienne, phụ trách Ban các chị lớn (Maitresse de Division des Grandes) đưa tôi lên phòng ngủ Notre Dame du Rosaire – màu hồng-, giới thiệu với các bạn học lớp đệ nhất với tôi. Mỗi chị, trong chiếu áo Kimônô hay robe de chambre sặc sỡ đón chào tôi trước phòng họ vì đã khuya rồi…
Sáng hôm sau, tôi vào lớp ngay, vì tôi lên trễ một tháng. Lớp học thật đẹp, tranh ảnh treo trên tường giúp học sinh hướng lòng lên cao… Bàn ghế sang trọng, hai người một bàn, bàn bằng gỗ có lót một tấm nylon, mỗi bàn một màu.
Trường Đức Bà Lâm Viên – Đà Lạt
Chương trình học ở đây cũng như ở bất cứ lycée nào ở Sài Gòn: Pháp văn, Latin, toán, sử, địa v.v…, chỉ khác một điều, giáo viên toàn là các Mẹ người Pháp (Anh văn thì một Mẹ người Anh dạy: Mẹ Laetitia). Và điều không có ở lycée là mỗi sáng có nửa giờ huấn đức do Mẹ Phụ Trách Ban đảm nhận. Sau một đoạn Phúc Âm hoặc một trang sách hay, Mẹ “dạy” chúng tôi phép lịch sự, sống đúng nhân cách, nhất là nói về sứ mệnh tương lai của chúng tôi. Chúng tôi sẽ là thành phần ưu tú của nước Việt Nam này, sẽ là những Bà Giám Đốc hay vợ các Ngài Bộ Trưởng v.v…, hãy cố rèn luyện những đức tính xứng hợp với địa vị của mình trong xã hội này…
ĂN THỊT CỌP
Ngoài giờ học, chúng tôi dạo chơi ở các sân gần nhà, không được phép đi xa vào trong rừng. Đồi Langbian hồi đó còn rất hoang vu. Ngoài những dãy lớp, trên lầu có phòng ngủ. Trên ngọn đồi chỉ có, bên trái là “ngôi làng”, nơi có nhà ở cho nhân viên, bên phải là một trại gồm có trại chuồng heo hay chuồng gà gì đó. Hồi đó các Mẹ chưa có xe ôtô, mà chỉ có một cỗ xe ngựa, có hai con ngựa kéo để đi chợ hoặc chở học sinh đi chữa răng.
Một hôm, cả làng xôn xao vì một con ngựa bị cọp ăn. Cọp vô tới chuồng ngựa, gần nhà quá, và các bác Pierre, Lạc, Bút, bàn mưu để bẫy cọp. Rồi một tối nọ, đang ngon giấc, chúng tôi nghe tiếng người ới ới dưới cửa sổ của mình: “Được rồi! Nó vô bẫy rồi! Mẹ Ma-ri Bôn rơi xuống đi, đùng đùng cho cọp chết!” Rồi các bác rước Mẹ Marie Paule và Mẹ Nhất xuống tận bẫy – nằm bên dưới Petit Pensionnat, chỗ Notre Dame de la Vallée bây giờ – bắn cọp và gánh lên tận nhà bếp. Chúng tôi được phép mặc robe de chambre xuống xem cọp. Nó to hơn con chó berger, có lông rằn ri, nằm giữa một vũng máu. Một cảnh tượng lạ lùng: những thiếu nữ xinh đẹp mặc kimônô đứng ngắm nhìn một con cọp chết tươi…
Chiều hôm sau, chúng tôi thấy trên mỗi bàn ăn có một đĩa thịt rôti ! Có đứa sợ, không ăn, có đứa ăn hai miếng! Phần tôi, lãnh một miếng thật mềm, ngon, mấy thuở mới được ăn miếng thịt cọp!
THI HỎNG
Trường ta hồi đó, thi đâu đậu đó, luôn luôn 100%. Thế mà tú tài khóa một năm ấy có một người thi hỏng, người ấy là tôi. Vừa tức, vừa hổ thẹn, vừa tủi thân, tôi khóc ba ngày không ngớt, trong lúc điện tín đi về qua lại giữa gia đình và các Mẹ. Rồi quyết định, hè năm ấy tôi không được về nghỉ hè mà ở lại ôn thi kỳ hai vào tháng tám.
Trong trường, không một ai ở lại. Mỗi sáng, một Mẹ ra mở cửa lớp cho tôi, rồi tôi tự mình ôn lấy bài vở… Khoảng 9g, các Mẹ giáo sư thay nhau mỗi ngày một người ra hỏi han tôi, có gì không hiểu thì giải thích rồi đi vô, không trò chuyện, không tâm sự gì.
Nhưng cứ đến 11g30 thì một Mẹ trẻ ra kéo chuông ở cầu thang lên xuống sân trong. Thế là ngày nào cũng như ngày nào, tôi vội chạy ra hành lang ngoại vi ngắm nhìn các Mẹ hấp tấp đi qua hành lang dài lợp mái tranh bên kia, vừa đi vừa đội khăn voan mỏng đen lên đầu, và móc hai tay áo rộng đen… Rồi từ trong nhà thờ, bên cánh các Mẹ vọng lên tiếng “Deus in adjutorium meum…”, giờ kinh phụng vụ bắt đầu… Tôi chạy vội xuống nhà thờ, bên ngoài, và quỳ xuống nghe đọc kinh. Tuy tôi không hiểu gì, nhưng lời kinh thật hấp dẫn, bầu khí cầu nguyện sâu xa làm tôi thu mình nhỏ lại trước cây Thập Giá to trên bàn thờ: tôi có cảm tưởng được Chúa nhìn mình…
Nhà nguyện Đà Lạt
Cảnh tượng thứ hai thu hút tôi là sau cơm trưa các Mẹ đi dạo dọc theo hành lang lợp tranh hay trên đường đi trước nhà. Các Mẹ đội nón lá, xăn tay áo lên bằng cách vắt tà áo trong lỗ để thọc tay vào túi, vừa đi vừa nói chuyện líu lo như chim hót! Các Mẹ luôn đi theo thứ tự là: Mẹ Nhất đi giữa, Mẹ Nhì và Mẹ Ba (?!) đi hai bên, các Mẹ trẻ đi trước, bước thụt lùi, rồi một số vây quanh. Tôi thấy tình huynh đệ thật mặn nồng…
Nghĩ lại về nền giáo dục ở đây, nhất định là không thực tế bằng ở trường Đồng Khánh (không dạy nấu ăn, giặt ủi v.v…), nhưng có cái gì na ná giống các cours của Dom. Romain bên Khải Định: nghiêm túc, sâu xa, có thể không thực tế, nhưng có một cái gì đó thực tiễn trong cái cao siêu của những khẳng định của các Mẹ được thấy ngay trong đời sống thường nhật của họ…, quý phái mà rất tự nhiên.
Còn một điều nữa mà không thấy ở hai trường kia: sự lo âu cho người nghèo khó. Ví dụ mỗi năm tổ chức lên núi Langbian thăm làng thượng ở trên đó, một làng nghèo, thật là nghèo, và mỗi chị lớn đỡ đầu một em bé, không những để cầu nguyện cho em, mà còn, nếu có thể, giúp cho gia đình em đôi chút… Hoặc sang Domaine de Marie của các Soeurs Vinh Sơn, bồng ẵm chơi với các em bé… Hoặc qua trại lính của Cha Cảnh để chơi với các em nhỏ v.v…
Lý tưởng làm vợ bộ trưởng dần dần xa vời trong tôi, thay thế vào đó là một con đường đầy ánh sáng từ Chúa Giêsu trên Thập Giá trong Nhà Nguyện tỏa ra…
Nhưng phải năm năm nữa tôi mới cương quyết lên máy bay cùng Mẹ Madeleine Marie và Mẹ M. Emanuelle sang Vernueil-sur- Seine, Nhà Tập Trung Ương của toàn Dòng hồi ấy (1954).
1960
Từ Paris về Sài Gòn, tôi làm việc ở Turris Davidica (lầu bốn, tầng hai ở chỗ bây giờ là Hội Trường) với chị M. Regis, trông các em 6e và 5e. Đến hè, chúng tôi được lên Đà Lạt nghỉ mát. Sau khi nghỉ ngơi được một tuần, tôi được Mẹ Giám Tỉnh, hồi đó là Mẹ M.Jeanne d’Arc gọi vào văn phòng. Quỳ gối dưới chân Mẹ, tôi nghe mấy tiếng “Ma chère enfant, volonté de Dieu…”. Vâng, ý Chúa là tôi ở lại Đà Lạt, ngay giờ phút đó để làm “procure”. Công việc gồm có
– Chạy theo bốn ông người thượng làm cỏ trong khuôn viên,
– Chạy theo ông Lạc xuống nhà bơm ở dưới suối để bơm nước lên cho cả nhà
– Chạy theo ông Bút đốt lò nấu nước nóng cho cả nhà tắm
– Chạy theo ông Cảnh thường gọi là bác Pierre, làm thợ mộc
– Chạy theo ông Năm, bác Tài, cùng nhà sửa chữa lavabô hư hỏng v.v…
(Lúc này các chị đã có hai ôtô: một cái “deux chevaux” do Mẹ Gécile lái và một chiếc lớn do bác tài lái)
– Coi thợ làm nhà trường Đức Bà ( tức là trường Nam Thiên bây giờ), làm hành lang sau nhà bếp, làm cầu ngoài vườn…
Nghe xong bản “cáo trạng”, tôi chỉ biết cúi đầu xin vâng và bắt tay vào việc ngay ngày hôm đó.
Tôi nhớ đã được Mẹ M.Jeanne d’Arc huấn luyện rất kỹ. Ví dụ một hôm trời mưa như trút nước, Mẹ bị cảm nằm trong giường, kêu tôi vào phòng Mẹ và bảo phải đi ngay xuống trường Đức Bà thợ xây để xem họ có đậy kín mấy bao xi măng không, mái nhà có dột không, sàn nhà có sức chống lại nước lũ từ trên đồi chảy xuống không? Và Mẹ không quên dặn dò tôi phải đội nón, mặc áo mưa, đi bốt cho khỏi ướt chân.
Hồi đó, mỗi lần nhận việc mới, chúng tôi đều được các Mẹ hướng dẫn, theo dõi rất kỹ.
Hiện nay tôi vẫn nhớ ơn từng Mẹ, Mẹ M. Chantal, Mẹ Geneviere… đã dìu dắt tôi từng bước trong các lãnh vực ấy, nên tôi rất vui trong công việc lúc bấy giờ. Tôi cũng không quên ơn các Mẹ M. Jeanne d’ Arc, Mẹ Christophe, và nhất là Mẹ Agnes du Sacré Coeur đã dìu dắt tôi từng bước trong đời sống thiêng liêng.
Năm sau thì thánh ý Chúa trên tôi lại thay đổi. Mẹ Béthanie phải về Pháp chữa bệnh, tôi phải thay thế Mẹ trông nom Division des Moyennes. Công việc thật khó khăn, vì ngoài số lượng đông đảo (100 học sinh lưu trú) các em tuổi này lại rất bướng bỉnh. Tôi đã phải khóc đầm đìa bao nhiêu đêm mới khắc phục được chúng. Cách nào chị em có biết không?
Sau khi nhận việc mấy tháng trời, sáng nào giờ huấn đức tôi cũng nhận được ở trên bàn những bức thư tình: “cút đi”, “trả lại cho chúng tao Mẹ Béthanie của chúng tao!”, và suốt mười lăm phút, trong khi tôi đọc Phúc Âm hoặc một đoạn sách, là dưới đó, chúng lao xao nói chuyện… Không có uy tín, làm sao làm việc?
Một hôm chúng xin phép (may mà có xin phép!) làm một “soirée dansante” (= dạ hội nhảy đầm) vào một chiều Chúa Nhật. Không cho đâu có được với chúng nó nên tôi đành chấp thuận, chấp thuận vô điều kiện. Hôm sau, tôi nhận được giấy mời đi dự soirée dansante… Chúa Nhật hôm đó, cả Ban ăn mặc sang trọng đẹp đẽ tươi cười (lần đầu tiên!) tiếp rước tôi, đưa tôi vào chỗ danh dự. Chúng nó ôm nhau nhảy một hồi, rồi một em, tôi nhớ là Diệu Trinh, đến trước mặt tôi:
– Ma Mère, voulez-vous m’accorder cette valse? (= xin Mẹ nhảy với con điệu valse này)
– Nhưng Mẹ không biết nhảy.
– Dễ lắm, Mẹ đưa tay con nắm, rồi con ôm (!!!) Mẹ và dìu Mẹ đi.
Thế là tôi bước vào sàn nhảy. Khi đầu rất đông, sau thưa dần, và cuối cùng chỉ còn hai chúng tôi… Khi Diệu Trinh quay, tôi quay theo, thì cái áo dài đen (lúc đó còn mặc tu phục) cũng quay theo… Khi bản nhạc vừa dứt, một tràng pháo tay vang lên “ Ôi Mẹ đẹp quá! Mẹ dễ thương quá!”
Và từ đó, tôi không còn khó khăn gì nữa. Trái lại, uy tín của tôi càng lên cao. Tôi hiểu từ nay tôi là “của chúng”, tôi thuộc về chúng. Không còn gì ngăn cách tôi với chúng nữa! Tôi là “ma mère” của chúng.
Nữ sinh trường Đức Bà Lâm Viên – Đà Lạt
Trường ta ngày càng mở rộng, học sinh càng đông, trong những năm này, các Mẹ cũng đã sáng suốt, thấy trước tình hình nên đã bắt đầu mở Ban Việt Ngữ với lớp đệ thất. Mẹ M. Chantal và Mẹ Denise điều khiển Ban này, song song với Ban Pháp văn của tôi với Mẹ M.de la Miséricorde và Soeur Nicole Monthuis. Ba chúng tôi làm việc ăn khớp với nhau rất vui vẻ. Về sau có thêm Soeur Véronica. Chúng tôi đồng ý với nhau là để giáo dục các em tuổi này, chúng tôi phải chân thành, chân thành với nhau, với mình, và với các em. Trước hết là chân thành yêu thương các em. Hình phạt nặng nhất là cho bắc một ghế nhỏ, ngồi một mình ở đầu hành lang, suy nghĩ cả ngày (hay mấy ngày cũng được). Suy nghĩ xong thì vào văn phòng gặp tôi nói chuyện “chân thành” với nhau. Phương pháp thật hữu hiệu!
Kỷ niệm còn sâu đậm trong tôi về sự cộng tác chặt chẽ giữa bốn chúng tôi là vở kịch hát “Aladin với cây đèn thần”, trong đó Tuấn Anh, con ông Nguyễn Văn Thiệu, đã đóng vai công chúa đi trên thuyền (thuyền thật, do bác Pierre sáng chế lướt trên sân khấu như trên dòng sông). Tổng thống và phu nhân đến dự như những cha mẹ khác, không có một sự đón tiếp đặc biệt nào.
TẾT MẬU THÂN (1968)
Đối với tôi, thật là bất ngờ!
Sáng mồng hai Tết, cả cộng đoàn cùng Mẹ M. Christophe xuống chúc Tết các soeurs Hà Nội, thấy sau mỗi cây thông có hai người lính mặc quân phục nhảy dù, cầm súng… đoán chắc có chuyện nghiêm trọng nên chúng tôi chỉ thăm các soeurs vài phút rồi trở lên. May mà các học sinh đã về ăn Tết, trừ một vài em người Campuchia, dòng họ Sihanouk, còn ở lại với chúng tôi!
12g trưa, một vài phát súng lẻ tẻ. Đến 14g thì cả làng Du Sinh bồng bế nhau, gánh gồng tất cả những gì có thể mang theo được, ụp tràn vào trong sân trong của nhà dòng, đòi trú ẩn.
Vì chị Ánh (= Mẹ Nhì) và chị Thành (= Maitresse de Division des Grandes) đều về Sài Gòn ăn Tết, nên tôi được gọi vào phòng Mẹ Christophe, giao cho trách nhiệm của cái trại di dân bất ngờ ấy.
Họ có thể chia nhau ở trong các lớp tại lầu một, và tầng trệt, trong sân trong và dưới bếp. Không được lên các phòng ngủ. Chia chỗ ở, cắt đặt các tổ trưởng, trong việc này có hai chị giúp tôi rất đắc lực: M.Régina và Jean Vincent. Khi đâu vào đó rồi thì phải lo liên hệ với ngoài “tỉnh” để được cấp gạo, thịt, rau…, nói chung là lương thực. Họ có cái gì thì cho cái đó, theo đầu người. Nhưng một khi đã chở đồ về thì dù có khuya cũng phải gọi từng gia đình lên, phân phát hết, không để qua đêm, vì để qua đêm sẽ bị cướp hết!
Một vài chuyện vui trong hoàn cảnh bi đát :
– Có lúc đánh nhau, súng qua lại nghe rất gần nhà. Có lần cả nhà chạy vô Dortoir M. médiatrice trú. Ở đó có một cái piano. Chị M. Gioseph thấy không có gì chắc chắn hơn bèn chui vào dưới cái piano! Khổ thay người chị dài hơn bề ngang của cây đàn nên lòi ra cái… mông. Chị bèn lấy cái thau bằng thiếc úp lên cái mông! An toàn rồi, chị ra dấu cho ông cha Dòng Tên đến nằm “chùm hum” bên chị! Chỉ tiếc là sợ quá nên không ai dám lấy máy ảnh chụp quang cảnh đó!
– Có lần một toán lính thượng đòi vào xét nhà. Trong lúc đó đài từ Tỉnh phát ra, ra lệnh không được mở cửa cho một quân nhân nào vô nhà. Họ liền bắn vào cửa. Ngôn ngữ bất đồng nên các cửa gỗ của mình bị tổn hại nhiều (ví dụ cửa vào Nhà Nguyện bây giờ). Cuối cùng người làng bắt tôi phải mở cửa, nếu không, chết cả làng! Làm sao băng qua làn đạn của những người lính thượng không nói được tiếng Việt mà tôi lại không biết hai chữ “đầu hàng” thì nói sao cho họ hiểu? Tôi bèn đi ra nơi cửa kính, một tay giơ lên trên ra dấu đầu hàng, một tay thọc vào túi (lúc ấy còn mặc tu phục) lấy chùm chìa khóa. May mà họ hiểu. Thế là họ đi soát nhà, tôi đi trước, họ đi sau. Lên đến kho trên mái nhà, tôi chưng hửng vì thấy “ai” đã dở mái nhà mình ra hết và cái kho sáng trưng! Thế là “họ” đã vô đây! Tôi mở cửa và ra hiệu cho mấy người lính đi vào, có đánh nhau thì cứ đánh trong đó đi! Nào ngờ họ “khôn” hơn tôi, ra hiệu cho tôi vào trước! Giờ chết của tôi đã tới rồi! Tôi “nhắm mắt đưa chân”…, nhưng rồi không thấy một ai trong đó ngoài rương hòm và bàn ghế gãy chân! Khi vô Nhà Thờ cũng một màn lạnh xương sống như thế! Ngày bi đát nhất là ngày thả bom Du Sinh. Từ cửa sổ “phòng ngủ 24 boxes”, chúng tôi thấy máy bay là là và rồi một trái bom rơi xuống: im lặng, một tiếng nổ, khói bốc lên nghi ngút rồi cháy… Một trái, hai trái v.v… Ở sân trong, dân Du Sinh nằm lăn ra khóc than, kêu Chúa Mẹ… Ông trùm lăn lộn như điên, tôi khuyên sao cũng không được, ông cứ nói : “Rồi Mẹ sẽ thấy!”… Và ba ngày sau tôi đã thấy…
Lúc đám cháy đã dịu dần, người dân bắt đầu về “dọn dẹp” nhà cửa : quét thành một đống tro mái nhà họ đã ra công xây dựng… Ông trùm ra cầm tay tôi, đưa vào “nhà” của ông và chỉ cho tôi một khối kim cúc. Thời ấy, người ta để dành tiền bằng cách ghim những tờ giấy 500.000 đồng bằng những kim cúc, và ông trùm đã có một hòm giấy bạc như thế! Cháy hết! Chỉ còn đống kim cúc!
Người dân Việt Nam cần cù, siêng năng, nhẫn nại…, chỉ vài năm sau, họ đã xây cất lại ngôi làng, có lẽ còn đẹp và vững chắc hơn. Mới đây, tôi có trở về Du Sinh. Thế hệ trước đã qua đi. Ngày nay, thế hệ trẻ vươn lên như những ngôi nhà họ đã dựng lên, kiên cố và đẹp đẽ… và tôi được niềm vui gặp lại anh Phong, chàng trai trẻ và là cánh tay phải của tôi trong mấy tháng tị nạn. Anh đã đi Mỹ làm ăn, nay về thăm nhà, anh không quên “mẹ Gioan của những ngày tị nạn”, và đã tìm đến Regina Mundi gặp tôi.
Sau Tết Mậu Thân, tôi cảm thấy kiệt sức, không còn can đảm để tiếp tục sống ở Đà Lạt. Tôi đã tự ý xin về Sài Gòn, và mẹ M. Christophe bằng lòng ngay.
Các nữ sinh trường Regina Mundi – Sài Gòn
Ngờ đâu thánh ý Chúa trên tôi là một gánh nặng khác : hiệu trưởng trường Regina Mundi và phải cực nhọc tranh đấu với cha mẹ học sinh để lèo lái cái trường danh tiếng này thành một trường Trung Học theo chương trình Việt… Chúng tôi đã thu xếp để, tuy theo chương trình Việt, chúng tôi vẫn có tương đương với Tú Tài Pháp với cái bằng “Sorbonne” của Trung Tâm Văn Hóa Pháp cấp… Chương trình soạn thảo vừa ký kết xong thì biến cố 1975 đến và đưa Regina Mundi sang một giai đoạn khác.
Sau 1975, Tỉnh Dòng chúng ta phân tán từng nhóm nhỏ nhưng còn đầy sức sống. Phần tôi, rời Regina Mundi, tôi về Nguyễn Minh Chiếu (hiện nay là Nguyễn Trọng Tuyển). Trong mấy năm trước đây, Chúa đã chuẩn bị cho tôi để gánh một cách nhẹ nhàng lớp giáo lý sống đạo ở Nhà Thờ Nam, Phú Nhuận (1976 – 1988), và lớp học Tình Thương ở Nhà Bè (1990-2000).
Huynh đoàn Minh Chiếu (Phú Nhuận)
Vào những năm ấy, trong Tỉnh Dòng nhiều nhóm cũng đã mọc lên…
1935-2010, 75 năm của Dòng Đức Bà tại đất nước Việt Nam. Chúa đã dìu dắt chúng ta… tôi hy vọng chúng ta sẽ từng bước để Ngài dìu dắt chúng ta trong điệu “valse des temps” (vũ điệu lịch sử) theo nhịp của Ngài. Chúng ta hãy đưa tay ra nắm lấy tay Ngài, và nào… lạy Chúa, con đây, Chúa ôm con đi! …
- Gioan