Đôi Điều Ghi Nhận Từ Linh Đạo Cha Pierrer Fourier
Nếu đọc lại tiểu sử của cha Pierre Fourier, đọc lại những thơ từ cha đã viết, thì theo thứ tự, xuyên suốt các giai đoạn cuộc đời của cha thánh, chúng ta sẽ gặp gỡ cha:
- Vị mục tử và tông đồ đức ái
- Nhà giáo dục lỗi lạc
- Đấng sáng lập hai dòng tu (một dòng nam và một dòng nữ)
Không những thế, thông qua những vai trò đó, cha còn thể hiện tính cách của một người chỉ huy, một luật gia, nhà đàm phán, người tham vấn các vấn đề chính trị trong xứ, và cuối cùng cha phải sống lẩn trốn và chết lưu vong.
Một cuộc đời thật đầy tràn ý nghĩa…
Ngày 4/2/1630, trong lá thơ gởi cho các nữ tu ở Nancy, cha viết: “Tôi đọc Kinh sách, ăn cơm chiều, đọc thơ của các chị rồi cầm bút viết mà phải gấp giấy lại. Cơn buồn ngủ đến đánh gục tôi từ cái đầu đau nhức dữ dội, đe dọa không cho tôi viết chữ nào nếu trước đó tôi không trả cái nợ đã hai đêm qua bỏ ngủ để chuẩn bị bập bẹ vài lời cho giáo dân ở đây, trong nhà thờ, ngày lễ tẩy uế Đức Maria”.
Tìm hiểu lại từ đầu các hoạt động đa dạng và thâm trầm này, chúng ta sẽ hiểu được cách thế cha Pierre Fourier đi đến với Chúa, điều được gọi là “linh đạo”, là con đường thiêng liêng.
Luôn khởi đầu từ một thực trạng rất cụ thể, đó là phong cách sống và hành động của cha. Tâm tình đơn sơ, bộc phát của cha còn cho thấy kinh nghiệm sâu xa của một người sống rất gần gũi, thân mật với Chúa; một “cận thần của Thiên Chúa”.
“Hãy tiến bước cho thẳng gọn, dứt khoát, cho ung dung nhẹ nhàng, thuận thảo. Hãy nhẹ nhàng để Thiên Chúa làm việc…nhưng cũng đừng ngại chụp lấy các thời cơ…vì chúng dễ vuột mất và lại nhẵn thín, không có phía sau đầu nên một khi vụt thoát rất khó mà chụp lại được…sung sướng biết bao khi tin cậy vào Chúa. Hãy phụng sự Thiên Chúa trong hân hoan và phấn khởi của tâm hồn”.
Đấy là “âm điệu” của cha Pierre Fourier mà chúng ta rất thường nghe thấy dưới ngòi bút của ngài, khi ngài diễn tả về:
- Niềm hoan lạc thiêng liêng: “Buồn phiền làm khô héo xương cốt và làm cho can đảm xẹp xuống…”
- Lòng kiên nhẫn và sự táo bạo, cẩn trọng và can đảm: “ Đừng vội vã và đừng coi thường gì hết”. “Phải có những tham vọng lớn cho công việc của Chúa”, “Đừng sửng sốt hay mất hết can đảm trước những nỗi khó khăn: ở đâu cũng có khó khăn cả”.
- Tinh thần quảng đại nhưng không duy ý chí: “Khi không làm được điều mình muốn , thì hãy muốn điều mình làm được và hãy vui lòng làm điều đó”.
- Tâm hồn lắng nghe và biết ước muốn: “Hãy lắng nghe tiếng Thiên Chúa trò chuyện thân mật với con và hướng lòng đón nghe lời cao trọng của Người khi Người dạy bảo và ban truyền thánh ý…”, “Hãy cùng nhau hăng say ước muốn, quyết tâm và liên lỉ làm cho Chúa vui thỏa…”
Có thể vắn tắt, linh đạo Pierre Fourier là một cách nhìn những con người, cách nhìn các sự kiện và cũng là một lối sống Tin Mừng.
- “LINH ĐẠO” Pierre Fourier, trước tiên đó là một cái nhìn.
Vào một đêm giao thừa, cha Pierre Fourier viết: “Hãy làm quà biếu tặng cho những người nghèo khó cùng cực, đôi mắt đầy tình người, đôi mắt nhân hậu và khoan dung của chúng ta ».
Để tìm lại tinh thần của vị sáng lập, thiết tưởng đây không phải là lúc chúng ta đặt vấn đề nên bắt chước cha Pierre Fourier ra sao hoặc tưởng tượng ra những gì cha sẽ làm trong bối cảnh hiện tại. Điều cần thiết là hãy để cho cái nhìn của cha thấm nhập vào trong chúng ta, khiến chúng ta sáng tạo nên điều mới mẻ cho thực tại thế giới hôm nay.
Đây, chúng ta hãy xem đôi mắt đầy tình người của cha thánh:
“Nếu các chị biết được thế nào là làm cha sở và nhìn thấy trong một giáo xứ hai hoặc ba trăm người không có bánh mì, không tiền, không bơ, không việc làm, không vốn liếng, không đồ đạc để bán, không bà con bè bạn, không hàng xóm láng giềng muốn và có thể giúp đỡ; và nơi một số người còn không có sức khỏe thì tôi chắc chắn rằng các chị sẽ viết thơ cho tôi mà rằng: thưa cha sở, xin cha đừng bỏ rơi hai ngôi làng đáng thương đó…”
Vấn đề là phải cứu nguy tình trạng khốn cùng còn bị che đậy hoặc phải lên án tình trạng bất công đó, cho nên cái nhìn trắc ẩn trên mọi sự đau lòng này đã khơi dậy nơi cha thánh một hành động thật sáng suốt và hữu hiệu.
“Một hôm, cha Pierre Fourier nói: “Nếu có thể được cha ước mong làm bộ trưởng tài chính để buộc phải cứu giúp trẻ mồ côi, người góa bụa và giúp đỡ người nghèo sao cho không còn thấy người đi ăn xin ngoài phố nữa. Cha không nghĩ rằng người Công Giáo lại không làm nổi việc đó bởi vì nơi người Do Thái, người ta không thấy một kẻ ăn xin và nơi những người Tin Lành càng rất ít. Cuối cùng, nếu chăm lo cho lợi ích của Vương Công, nếu nền tài chính của một quốc vương được quản lý tồi, thì chính thần dân của vua trở nên nghèo khổ và rương hòm của họ bị trống rỗng vì phải lo đổ đầy rương hòm cho chủ của họ rồi. Và khi những nịnh thần (những con đỉa của triều đình) ghé vào tai vua để xin quà cáp, hoặc vị quốc vương không muốn làm cho mình nghèo đi, thì lúc đó dân chúng rên siết dước ách thống trị độc ác. Cha Pierre Fourier biết rằng các lợi tức của vua chúa không phải rút ra từ các Mỏ xứ Pe1rou nhưng từ mạch máu của thần dân các ngài”. (theo cha J.Bedel, cuộc đời của cha Pierre Fourier …,1656, trang 311)
Và đây nữa cái nhìn nhân hậu của cha thánh đọng lại trên thân phận của các bé gái xứ Lorraine, khiến cha hết sức ưu tư về việc dựng lên những ngôi trường, để cho “có nhiều em bé cũng như những em khá lớn hơn, trước kia buộc phải đi ăn xin, nay được học hành dễ dàng, không phải trả học phí và không gặp nguy hiểm, để trong một thời gian ngắn các em học biết mưu sinh lương thiện và hơn thế nữa, biết làm việc để giúp đỡ cha mẹ các em. Các em này cũng như các đồng bạn khác, khi khôn lớn, trở thành những người chủ hoặc những bà mẹ gia đình, họ sẽ dạy lại những công việc đó cho con cái trong nhà…và nhờ đó các gia đình hiểu biết Thiên Chúa…được bình an và yên ổn, kiên nhẫn và biết thể hiện lòng thương xót đối với tha nhân”. (Primitif Esprit, trang 8 – 10)
Đối với trẻ thơ, cái nhìn giúp cho trẻ được lớn lên là cái nhìn trân trọng, quan tâm, cảm thông, thực tế, rộng thoáng, trong một bầu khí vui tươi, đơn sơ, bác ái của Tin Mừng. Đó chính là cái nhìn chú trọng đến sự sống…
- Trở về nguồn: “ LINH ĐẠO” Pierre Fourier diễn tả một lối sống Tin Mừng thâm sâu
- Những đoạn sách thánh cha Pierre Fourier yêu thích đặc biệt..
Đó là những trích đoạn trong sách Tân Ước và cũng là những ý lực sống dồi dào đã nhuần thấm tâm hồn cha thánh thật đậm nét mà các bút tích còn lưu lại:
Mt 11,29: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”.
Đây là cách thế để giải phóng con tim, để tâm hồn được an vui thanh thoát. Cha nhắc nhở: “Bài học quan trọng nhất, thông thái nhất, hữu ích nhất và cần thiết nhất mà Chúa Giêsu Kitô trình bày cho những học trò đầu tiên là các thánh Tông D(ồ và cho cả chúng ta trong trường đại học của Người là bài học này: Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Primitif Esprit,29)
“Phải bước đi với một chút kiên nhẫn, với nhiều dịu dàng và khiêm tốn, với thận trọng và kín đáo và với sự hiểu biết sâu xa những ý định của mình” (09-09-1630)
Mt 25,35-36: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”.
Lời Chúa Giêsu là qui tắc sống của người mục tử ở họ đạo Mattaincourt và đã làm cho cha Pierre Fourier trở thành một “cha sở tốt lành”
Cha viết: “Khi tình yêu Chúa đã thấm nhập vào một linh hồn, thì đồng thời lòng thương người cũng vào theo”. Cha còn nhấn mạnh với chị em nữ tu Dòng Đức Bà: “Chị em được thánh hiến cho Thiên Chúa và cho mọi người”
“Phải biết rằng những gì chúng ta làm cho tha nhân vì bác ái thì được Chúa nhận như là làm cho chính Người, vì Người muốn chúng ta yêu thương các thọ tạo là hình ảnh đích thực của Người và Người đã chết cho học. Vậy chị em tìm mọi cách để giúp đỡ họ…”
Và …không nói,cũng không suy nghĩ xấu về người khác, chịu cực để học được thỏa lòng, cảm thông và chia sớt nỗi khổ cực của học, coi những công việc, những nhu cầu của học là của chính mình…chị em tìm hết mọi phương thế để giúp tha nhân”.
Rm 12,15: “Vui với người vui, khóc với người khóc”.
“Đã hơn 40 năm nay, tôi khóc với anh em khi tôi trông thấy anh em khóc và tôi buồn rầu, bệnh hoạn và khó chịu khi tôi biết rằng anh em ở trong tình cảnh này ( 28/7/1637)
Rm 5,5: “Chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”
“Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trên cộng đoàn các thánh Tông Đồ để viết vào con tim của các ngài luật của Tin Mừng, luật yêu thương, và nếu chúng ta muốn, Chúa Thánh Thần cũng làm như vậy cho chúng ta tùy theo cách đón nhận của mỗi người…”
Và Đức Ái chính là hoa quả của sự tự do trong Chúa Thánh Thần. Cha Pierre Fourier “luôn để Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong mọi hành động” cho nên hoa trái của Ngôi Ba ngập tràn tâm hồn cha, được diễn tả qua tinh thần “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” mà cha đã dành cho mọi người quanh mình. (Gl 5,22)
1Cr 13,1- 7: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được”. Bài ca đức mến này là nền tảng của đời sống cộng đoàn, đời sống huynh đệ:
“Các nữ tu đã cùng nhau khấn hứa yêu mến Chúa Giêsu phụng sự Người và bước theo Người, thì trước tiên phải noi gương Người như Người với Cha là một, thì chị em tất cả đều phải là một con tim, một tâm hồn trong Thiên Chúa”.
Chị em phải luôn luôn hiệp nhất với nhau cách chặt chẽ bằng những mối dây bác ái thánh thiện, và hãy yêu thương nhau với một lòng mến thiêng liêng, sung sướng, đích thực và trọn hảo; không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng con tim, một con tim tinh tuyền trong suốt (Hiến Chương, phần 2,7)
Đức Ái…đó là tinh thần Hội Dòng của chị em: đó là tinh thần chân chính của thánh Âutinh, tinh thần các Kitô hữu, là Thần Khí của Thiên Chúa…(31/08/1622)
- Kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa của Cha Pierre Fourie
Linh đạo của một thánh nhân là đời sống của một con người họa lại một trang sách Tin Mừng của Đức Giêsu, với một nét riêng biệt. Chúng ta thấy được tinh thần nghèo khó nơi Phanxicô thành Assise, tinh thần đơn sơ của thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu…Riêng đối với thánh Pierre Fourier, đó là một ý thức rất mãnh liệt và sống động về thực tại của mầu nhiệm Nhập Thể, về nhân tính của Đức Giêsu Kitô.
Cha Pierre Fourier đã noi gương thầy Giêsu chí thánh trên khắp các ngả đường xứ Palestine, chia sẻ từng niềm vui, nỗi khổ của kiếp người. Chúa Giêsu “nói với” đám đông, loan báo Tin Mùng Nước Thiên Chúa cho dân chúng là nhờ Người đã chấp nhận mang lấy “xác phàm” của con người, để “sống với” con người, “ở giữa” con người.
Với lời thưa “xin vâng”, Đức Maria đã ưng thuận cho Ngôi Lời của Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng mình để cứu độ loài người. Và với lời nhắn nhủ tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga2,6), Đức Maria cũng đã mời gọi cha Pierre Fourier lắng nghe, thực thi và loan báo Lời Chúa. Chính từ đây xuất phát “linh đạo” của Dòng Đức Bà,“Dòng của Đức Maria Trinh Nữ diễm phúc”.Vì vậy, chúng ta hiểu tại sao trong lời tựa Hiến Chương 1640, cha thánh viết:
“Hỡi con cái Đức Bà, hãy lắng nghe lời thần diệu của Mẹ chí thánh của con. Khi nhận con vào và giữ con lại trong gia đình này, Mẹ đã lấy tất cả tình Mẹ mà nói với con những lời rất dịu ngọt này:“con yêu của Mẹ, Chúa Giêsu Con của Mẹ bảo gì, con cứ việc làm theo lời Người là Chúa của con, Đấng dựng nên con, vị cứu tinh và bạn trăm năm của con đó”.
- Cha Pierre Fourier: “cận thần của Thiên Chúa”
Từ những bút tích của cha, chúng ta có thể rút ra một « nghệ thuật sống », một triết lý khôn ngoan khởi từ những điểm sống thường ngày nhưng rất thiết thực. Phương châm của cha là «cố gắng mỗi ngày sống thân mật hơn với Chúa», đây là điểm giúp nhạy bén nhận ra sự có mặt của Thiên Chúa Tình Yêu ngay trong những sự việc rất tầm thường xảy ra hằng ngày. Vì vậy, đối với cha, «nên thánh» không phải là từ ngữ dành cho các giám mục, các vị chân tu mà «mỗi người trong bậc sống của mình đều có thể nên thánh, miễn là giữ đúng những luật lệ của ơn gọi mà Chúa đã kêu mời».
Đối với một « bà đạo đức » đến xin hướng dẫn thiêng liêng, điều đầu tiên cha yêu cầu là «thanh toán nợ nần…trả lương cho thợ thuyền chớ đừng chậm trễ…đến dự thánh lễ ngay sau hồi chuông thứ nhất, để cha sở và giáo dân không phải chờ đợi lâu… »
Chính trong những điều xem ra rất thường nhật mà chúng ta dễ quên lời mời gọi «nên thánh» của Chúa. Cha Pierre Fourier có chủ ý khi dùng cụm từ «cố gắng mỗi ngày», vì nó chứa đựng ý nghĩa của thời gian, ẩn chứa sâu xa ý nghĩa của «những đức tính trọn lành vững chắc, đức khiêm nhường bác ái, kiên nhẫn…» mà «kiên nhẫn là nhân đức chính yếu của Chúa Giêsu».
Nhẫn nại và khiêm nhu là các dấu chỉ của một đời sống thiêng liêng thực tiễn, giúp cho tâm hồn mở ra với các thực tại mà vẫn can đảm trực diện với mọi tình huống bất ngờ.
«Hãy luôn luôn sẵn sàng kiên nhẫn, khiêm tốn, can đảm chịu đựng mọi sự Chúa gởi đến cho chị em » (29/7/1639)
«Hãy kiên nhẫn, hãy để Chúa làm. Người khôn ngoan hơn các con nhiều » (20/12/1624)
«Viên ngọc quý của đức khiêm nhường chân chính là một bảo chứng vững bền dẫn đến sự thánh thiện cao cả» (sách dành cho dòng Đấng Cứu Chuộc,II, tr 529)
Nhẫn nại và khiêm nhu sẽ mang lại cho tâm hồn sự bình tâm và biết phó thác, cho dù thực tế phũ phàng đến đâu, vì «mọi sự đều có thời của chúng» và «phải biết thích nghi với thời đại chúng ta đang sống, biết lướt qua mà không bị thương tích». Cha Pierre Fourier luôn đề cao đức tính thận trọng :
«Điều rất cần là phải thăm hỏi ý kiến và đo đạc cho kỹ trước khi cầm búa đập xuống. Đã sai lầm khi xây cất thì khó sửa chữa và bao giờ cũng gây thiệt thòi».
«Một trong những nguyên tắc» của cha là «đừng bao giờ quá lệ thuộc vào sự hấp tấp của người khác», nhưng «từ từ, từ từ, từ từ…hãy tiến từ từ, và không coi nhẹ cái gì hết».
Theo cha, đức tính thận trọng mang hai diện mạo bổ túc cho nhau. Đó là diện mạo của một tuổi đời đã chín chắn và diện mạo của một tuổi trẻ năng động. Nói cách khác, đức thận trọng cần ẩn chứa chiều sâu kinh nghiệm nhưng không thể thiếu tính cách táo bạo, liều lĩnh vì «Những người không bao giờ dám liều mất một điều gì …thì để lỡ nhiều dịp tốt làm việc đại sự cho Chúa», do đó, cần «phải có những tham vọng lớn cho công việc của Chúa» và «không được cẩu thả» khi làm công việc ấy.
Chính các nhân đức «vững chắc và hoàn hảo» trên đây sẽ nuôi dưỡng những ước muốn và củng cố niềm hy vọng cho chúng ta khi chúng ta phải đối diện với tính đơn điệu tẻ nhạt trong cuộc sống thường ngày.
- Niềm khao khát của thánh nhân
Đó là «khao khát yêu mến Chúa», vì đây là «dấu hiệu chúng ta yêu mến Chúa». Nếu không cảm nhận được lòng khao khát này, thì ít ra hãy ước muốn được bày tỏ, thể hiện…
Giải phóng con tim là để cho Chúa hoán cải những ước muốn của bản thân. Một tâm hồn biết để cho Chúa tháo gỡ mọi ràng buộc ích kỷ làm nghẽn mạch yêu thương sẽ bắt đầu hướng vọng về Chúa, khắc khoải tìm kiếm Người. Tâm hồn ấy sẽ hân hoan tiếp nhận sức sống của Tin Mừng, sẽ cảm nghiệm được thế nào là việc Chúa đến thanh luyện tận căn những ước muốn thâm sâu của bản thân sao cho những ước muốn ấy chỉ quy về một «Thiên Chúa trên hết mọi sự»
Đây quả là một cuộc «chiến đấu thiêng liêng», nhằm «chế ngự các đạm mê». Từ «đam mê» vào thời của cha Pierre Fourier có ý nghĩa sâu rộng hơn thời nay. Nó bao gồm tất cả những gì làm cho tâm hồn trở nên thụ động, buông thả theo bản năng, theo xung động của mình hoặc bị trói buộc vào thói quen ươn lì, nặng nề. Xưa nay, chúng ta đã biết đến một loạt các đam mê mà chúng ta vẫn quen gọi là «các mối tội đầu». Cha Pierre Fourier ghi nhận hai điều cần lưu ý, đó là tính «kiêu hãnh và cẩu thả», rồi cha còn thêm điều thứ ba là lòng «vô ơn bạc nghĩa». « Ôi khốn thay hạt giống của lòng bội bạc ! »
« …Những thói quen xấu đó dần dần làm yếu nhược tinh thần, bóp nghẹt các hoạt động tốt, thống trị tâm hồn đến nỗi nó cảm thấy như bị ngột ngạt và bị dìm xuống trong những tập quán đó, nó sợ phải thoát ra khỏi đó đến nỗi nó thà chết gí torng những sự bất toàn còn hơn. »
Ba thứ tật bệnh trên làm cho tâm hồn già cỗi, cố chấp, gây tắc nghẽn ngay trong tương quan với chính bản thân, với người thân cận, và với Thiên Chúa. Tật kiêu ngạo tự mãn làm cho khó chấp nhận người khác hơn mình và dễ đi đến chỗ đè bẹp người ta. Tật cẩu thả làm cho bản thân ra yếu nhược, trì trệ, lười biếng. Còn thói vô ơn bội bạc dẫn đến chỗ quy ngã. Lời cầu nguyện vốn là «hoa trái của niềm vui và lòng tri ân» ( theo Evagre, tu sĩ người Ai Cập vào thế kỷ 4), là tiếng kêu cầu, thống hối và ngợi khen sẽ trở nên khó khăn đối với những người mang các tật bệnh trên.
- « Không làm hại ai, mưu ích cho mọi người »
Đó là châm ngôn sống của cha Pierre Fourier: đơn giản, cụ thể, đòi hỏi, và thể hiện rõ ràng tinh thần dấn thân, sống cho một đức ái thực tiễn và hữu hiệu…như thánh Âu–Tinh nói: «mến Chúa đứng đầu trong thứ tự lề luật nhưng yêu người đứng đầu trong thứ tự hành động».
- Chương trình hành động cho mỗi ngày sống.
Thánh Benard nói: «Ai đã nhận lệnh truyền của Chúa là yêu mến tha nhân như yêu chính bản thân thì trước tiên phải biết yêu mình». Thánh nhân đề cập đến ba mối tình: yêu Chúa – yêu người thân cận – yêu chính mình (mối tình thứ ba này phải được bản thân điều chỉnh cho quân bình, đúng đắn). Theo đó, cha Pierre Fourier cũng đã tóm gọn trong một chương trình sống nho nhỏ hằng ngày như sau: lắng nghe Chúa – sống khiêm nhu và bác ái với mọi người – sống mạnh mẽ và kiên nhẫn đối với chính mình.
Đây là ba bước khởi đầu trong việc đón nhận Chúa, đón nhận tha nhân và đón nhận chính mình. Ba bước làm thống nhất con người trong chiều kích sâu xa, và để ân sủng Chúa thành tựu.
«Nguyện cầu sao cho mọi sự, dù suôn sẻ hay trắc trở, đều là những con đường đưa chị em đến thẳng với Chúa »
Cha Pierre Fourier đã nên thánh khi sống trọn vẹn chiều kích con người, trong tương quan với chính mình, với người khác và với Thiên Chúa. Bên cạnh những nét đặc thù này của cha, chúng ta không thể không nhắc đến chân phước Alix Le Clerc. Với trực giác ban đầu đón nhận từ Thiên Chúa, mẹ đã cùng với cha Pierre Fourier chiến đấu, vượt mọi trở ngại để củng cố và duy trì tinh thần thuở khai sinh Hội Dòng.
Mặc dù tính khí và đường hướng của cha Pierre Fourier và mẹ Alix Le Clerc bề ngoài như thể trái ngược nhau: người thì rất thần bí, người thì rất thực tế, nhưng hai đấng lại gặp nhau trong cùng một kinh nghiệm thiêng liêng sâu xa: chỉ khao khát Chúa, chỉ để cho Chúa chiếm đoạt và sống nối dài thực tại làm người của Đức Giêsu làng Nazareth, cách mạnh mẽ và kiên trì trong việc dấn thân phục vụ tha nhân. Cả hai đấng sáng lập đã chọn lựa một hướng sống cho cả hội dòng, đó là sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng, diễn giải qua Luật thánh Âu–Tinh.
Tiếp bước Mẹ Alix Le Clerc và cha Pierre Fourier, chị em nữ tu dòng Đức Bà luôn khắc sâu và tâm niệm Thiên Chúa là trọn mối tình của chị em, và sống dấn thân giúp ích cho mọi người, không làm hại ai, như Chúa Giêsu đã truyền dạy «phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Mô – sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy». (Mt 22,37-40)
Nói tóm lại, chúng ta thấy có mối liên kết sống động giữa linh đạo Nhập Thể trong truyền thống Luật Âu – Tinh với đặc sủng giáo dục mà cha Pierre Fourier và mẹ Alix Le Clerc đã đón nhận nơi Chúa khi sáng lập Hội Dòng.
Theo sát Đức Giêsu làm người và sống giữa mọi người, hai đấng sáng lập đã học được cách nhìn của Chúa trên từng thân phận con người. Và rồi theo luật Âu – Tinh, hai đấng sáng lập cũng mời gọi chúng ta biết sống quan tâm tới mọi người trong từng chi tiết độc nhất của mỗi người, luôn coi trọng sự tự do trong lòng mến, để ý đến những khuynh hướng nội tâm của bản thân – ước muốn, niềm vui, lòng khiêm nhường – những khuynh hướng giúp mở rộng tâm hồn, mở rộng con tim, «dành một chỗ cho Chúa» (theo cách nói của thánh Âu – Tinh) và sẵn sàng bày tỏ lòng mến đối với mọi người. Không phải luôn dễ dàng để nói trực tiếp về Thiên Chúa, nhưng hãy cố gắng tạo một không gian tĩnh lặng để cho Lời Chúa thấm nhập, thức tỉnh và sai chúng ta đi…
«Giúp cho mọi người được sống và sống vững». Truyền thống giáo dục của Hội Dòng đã đâm rễ sâu trong chính tinh thần này và thể hiện dưới nhiều dạng thức phong phú tùy theo nhu cầu của thời đại, của các nơi trên thế giới.
Theo bài giảng của chị PAULE SAGOT