Cha Thánh Pierre Fourier – Nhà Cải Cách

Bài Giảng Thánh Lễ ngày 01-11-1998
Lễ Các Thánh Nam Nữ

  1. Ngày hội vui

Hôm nay, chúng ta vừa nghe Tin Mừng về Tám Mối phúc do Chúa Giêsu công bố. Người cho thấy Nước Trời sẽ thuộc về ai, điều kiện nào để được vào Nước Trời.

Trong ngày lễ các thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe đoạn Tin Mừng này để chúng ta chiêm ngắm cộng đoàn Giáo Hội trên trời, gồm những người đã sống thực hành các mối phúc. Ở nơi mỗi một người đã đạt tới Nước Trời, cách riêng ở các vị thánh đã được tôn phong để làm gương mẫu cho chúng ta, chúng ta đều có thể tìm thấy một nét nổi bật nào đó về Tám mối phúc mà các vị đã sống. Cho nên, Tám mối phúc được hình dung như một vườn hoa Nước Trời. Trăm hoa đua nở với tám sắc màu chứ không phải chỉ có ngũ sắc mà thôi.

Hôm nay, trong thánh lễ đặc biệt cùng với chị em Dòng Đức Bà mừng kỷ niệm 400 năm thánh Pierre Fourier và mẹ Alix Le Clerc thành lập hội dòng, chúng ta chiêm ngắm cách riêng thánh Pierre Fourier: một nhà cải cách.

  1. Tóm lược bối cảnh Giáo Hội và xã hội thời đại thánh Pierre Fourier sống.

Trước hết, chúng ta lược lại đôi nét hoàn cảnh thời bấy giờ để xem thánh Pierre Fourier đã có những sáng kiến nào nhằm canh tân Giáo Hội và xã hội, sau đó, từ đoạn Tin Mừng về Tám mối phúc, chúng ta suy nghĩ xem: đâu là nguồn năng lực, nguồn gốc các sáng kiến cải cách của thánh Pierre Fourier. Việc này cũng sẽ giúp chúng ta biết vận dụng vào cuộc sống hôm nay, đối với một Giáo Hội, một xã hội cũng cần được canh tân. Chúng ta sẽ đối diện trước số phận của những con người cần được cứu giúp trong thế giới hôm nay.

Vào thế kỷ thứ XVI, Giáo Hội và xã hội trải qua những cuộc khủng hoảng ghê gớm: những cuộc chiến tranh khốc liệt và liên tục, cơ cấu Giáo Hội sa sút về mọi mặt, từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, các vị giám mục, hàng giáo sĩ thiếu quan tâm đến đoàn chiên của Chúa. Họ không còn thi hành chức vụ người mục tử cho phải lẽ. Họ chỉ lo ăn uống, hưởng thụ, chú tâm vào việc tìm kiếm bổng lộc, quyền lợi, chọn lựa địa phận, giáo xứ nào giàu có sung túc. Sách Artisan du renouveau de L’Eglise tóm lược hiện trạng các linh mục thời đó như sau: nhiều vị cha sở sống cuộc sống đáng chê trách, chỉ thích dâng lễ cầu cho người chết (vì ngắn hơn). Các ông chỉ lo đi săn, thích đeo nhẫn to, đội những bộ tóc giả, ăn mặc miên… một số khác chỉ lo kiện cáo, và một số rất đông nữa chỉ lo nuôi các bà hầu. Trong khi đó thì đoàn chiên không người chăn dắt…

Trong một xã hội hỗn loạn, một Giáo Hội suy thoái, đoàn chiên bị bỏ mặc, trở nên ngu dốt, không hiểu biết gì về giáo lý, không được nghe rao giảng Lời Chúa, thì có hai hướng để giải quyết: một là phá bỏ cái cũ, làm lại cái mới; hai là tu sửa từ bên trong, chấn chỉnh lại Giáo Hội và xã hội. Người ta bảo thời nào anh hùng ấy, còn trong Giáo Hội thì thời nào thánh ấy. Thời bấy giờ xuất hiện khá nhiều vị thánh đã canh tân, cải tổ Giáo Hội: Tê-rê-xa A-vi-la, Gioan Thánh Giá, I-nha-xi-ô Lô-yô-la, Phan-xi-cô đệ San, Vinh –Sơn Phao-lô. Và trong số các vị thánh đó, chúng ta không thể không nhắc đến thánh Pierre Fourier. Chúng ta hãy xem ngài đã trực diện và xử sự thế nào trước hoàn cảnh xã hội và Giáo Hội thời đó.

  1. Các sáng kiến của thánh Pierre Fourier

Thánh Pierre Fourier có nhiều sáng kiến ở nhiều mức độ khác nhau:

– Bắt đầu từ bản thân: muốn nói chuyện canh tân, cải tổ, trước hết phải xét lại bản thân mình, bởi vì mỗi người là một thành viên của Giáo Hội, và cuộc sống của mỗi người làm nên bộ mặt của xã hội, của Giáo Hội. Đừng chê trách ai, đừng lên án ai mà trước tiên phải đấm ngực mình. Và thánh Pierre Fourier đã làm điều đó. Ngài đã lắng nghe tiếng Chúa mời gọi: dấn thân theo Chúa và sống triệt để tinh thần bát phúc.

– Suy tư và hành động cải tổ xã hội: thánh nhân luôn nghĩ đến phương thế thắng lướt sự nghèo đói khổ cực. Đối với dân nghèo, có khi phải cho họ có cá để ăn và điều quan trọng là phải cho họ cái cần rồi dạy họ đi câu. Thánh Pierre Fourier đã làm cả hai việc đó. Ngài có nhiều sáng kiến rất táo bạo trong thời ấy: ngài đã lập quỹ tín dụng để giúp dân nghèo ở họ đạo Mattaincourt có phương tiện làm ăn sinh sống, ngài tổ chức các bữa ăn cho người đói khát, neo đơn. Nhưng đó mới chỉ là ở mức độ đại chúng, ngài thấy cần phải đi xa hơn nữa, là phải tác động ngay trên cơ cấu, cơ chế của xã hội.

– Thay đổi cơ chế phương pháp: muốn loại bỏ áp bức phải loại bỏ cơ cấu của áp bức, muốn loại bỏ nghèo đói phải dạy cho người dân ý thức thắng được sự nghèo đói. Trong xã hội thời bấy giờ, chuyện kiện cáo là một loại mồi béo bở mà ngay trong hàng giáo sĩ cũng tranh đua trục lợi. Người ta luôn tìm dịp kiện cáo và thánh Pierre Fourier luôn tìm cách giảng hòa. Thánh Pierre Fourier đã giúp cho mọi người ý thức về những nguy cơ họ sẽ trở thành mồi ngon cho các ông thầy kiện, các quan án. Đứng trước những luật lệ nhà nước cho phép như được quyền cho vay cắt cổ, thánh nhân trả lời thẳng: “trước tòa án, cha không nói gì vì đó là luật chung, nhưng nếu trong tòa giải tội, cha sẽ hỏi người được gọi là Kitô hữu có được phép cho vay nặng lãi như thế không?” đặt người ta trước đòi hỏi của Tin Mừng của lương tâm chứ thánh nhân không thể đơn phương chống lại cả một cơ chế của pháp luật.

– Canh tân tận gốc: để làm cuộc canh tân này, thánh nhân cho thấy cần phải thay đổi con người trước tiên. Cho nên, thánh Pierre Fourier cũng đã trở thành một nhà giáo dục xuất chúng khi đưa ra những cơ chế mới về học đường nhằm giáo dục, huấn luyện những con người biết tích cực xây dựng xã hội cho công bằng hạnh phúc. Khi cùng với Mẹ Alix Le Clerc sáng lập dòng Đức Bà, mở trường dạy học, thánh Pierre Fourier đã đi một bước táo bạo, vì thời xưa, phụ nữ đi tu thì chỉ biết sống trong bốn bức tường, mà bốn bức tường đó đôi khi trở thành nơi nhốt những thiếu nữ lỡ thì mà cha mẹ họ không có của hồi môn để gả chồng cho con hoặc là nơi nhốt những thiếu nữ quý tộc vương giả không có lý lịch rõ ràng. Thánh Têrêxa đã cải tổ dòng kín, còn thánh Pierre Fourier lại dám đi xa hơn nữa, là biến đổi đời tu, lập ra một dòng tu có thể mở trường dạy học, có thể lo công việc giáo dục cho người nghèo. Ngài rất rõ ràng trong đường hướng sáng lập dòng dù phải trải qua nhiều đấu tranh gian lao, vất vả, ngài không muốn cho cơ cấu của Giáo Hội nuốt chửng hướng sống đời tu tông đồ. Chúng ta có thể thấy cũng vào thời đó, thánh Vinh Sơn đã phải tránh né luật lệ đời tu, ngài nói ngài chỉ lập ra Tu hội chứ không phải một Dòng tu, để có thể dễ dàng hoạt động, phục vụ người nghèo.

– Cố vấn cho triều đình công quốc Lorraine: thánh Pierre Fourier đã tỏ ra là một nhà ngoại giao xuất sắc khi đem hết khả năng giúp củng cố bảo vệ đất Lorraine trước sự tấn công mạnh bạo của nước Pháp. Ngài không muốn quê hương trở thành một tỉnh của nước Pháp. Hậu quả là những năm cuối đời, thánh nhân phải sống cảnh lưu vong.

Như vậy, một con người đầy sáng kiến muốn canh tân xã hội, Giáo Hội phải bắt đầu từ bên trong: thay đổi chính bản thân, thay đổi con người; và thay đổi bên ngoài: đổi mới cơ chế của xã hội. Và tất cả những gì thánh nhân đã làm vẫn còn đó, mà công trình sống động phải kể đến, đó là dòng Đức Bà.

  1. Nguồn gốc mọi sáng kiến của thánh Pierre Fourier: tinh thần Bát phúc

Đây là điểm soi sáng cho chúng ta khi suy nghĩ về vai trò cải cách của thánh Pierre Fourier. Đọc lại tám mối phúc, chúng ta có thể tóm lại được hai điều:

– Chọn Thiên Chúa là tất cả và dám đánh đổi tất cả để được Thiên Chúa

– Nên giống Thiên Chúa

Nơi thánh Pierre Fourier, chúng ta bắt gặp được cả hai điểm trên. Ngài đã chọn Thiên Chúa là tất cả khi chọn lựa sống khó nghèo, sống liên đới chia sẻ những đau khổ của mọi người với ý muốn phục vụ con người, phục vụ dân tộc.

Và ngài cũng đã trở nên giống Thiên Chúa. Vì trong tám mối phúc, thương xót người và làm cho người hòa thuận, là hai điều thánh nhân đã thực thi hết lòng. Vì thế, phải nói rằng: thánh Pierre Fourier có trở nên người giàu sáng kiến, giàu nghị lực ấy là nhờ thánh nhân đã có lòng thương xót và lòng yêu mến hòa bình. Lòng thương xót của ngài phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu cao cả khôn dò đã khiến cho Thiên Chúa dám hy sinh cả Người Con Một vì nhân loại tội lỗi. Thương xót là khía cạnh của một tình yêu hướng đến việc nâng dậy, chữa lành. Đây là điều sâu xa nơi thánh Pierre Fourier. Chúa Giêsu đã bộc lộ tình yêu bằng việc tỏ bày lòng thương xót con người, Chúa Giêsu đã không thiếu sáng kiến để tìm cách bênh vực, để cứu vớt họ. Chúa Giêsu đã nói gì với những kẻ đã muốn ném đá người phụ nữ ngoại tình? Ai “thấy mình vô tội, hãy ném đá trước đi” câu chất vấn này không những chỉ cứu người phụ nữ tội lỗi mà còn cứu cả toán người toan ném đá chị ta. Có người bị áp bức thì cũng có người áp bức và cả hai cần được cứu. Thánh Pierre Fourier cũng đã noi gương thầy Giêsu chí thánh, muốn cứu giúp cả hai hạng người, bằng cách đặt họ trước tòa án của lương tâm. Nếu Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương xót con người mà chấp nhận ngang hàng với con người thì thánh Pierre Fourier cũng thế. Ngài đã chọn một họ đạo nghèo nhất dù ngài có dư tài năng, dư thế lực để đến với họ đạo giàu sang. Ngài đã chọn họ đạo nghèo là để sống gần dân nghèo, vực họ lên, nâng cao phẩm giá con người của họ. Ngài nói: “Tôi thương xót những giáo dân của tôi… những người không tiền, không việc làm, không vốn liếng, không bè bạn, không hàng xóm láng giềng muốn và có thể giúp đỡ… tôi thương xót những ai đang khóc lóc, những người sầu não; tôi thương xót những ai phải thế chấp của cải mình cho quan quyền, những ai đang lâm vòng nguy hiểm, thấy mình ngày càng nghèo nàn, khánh kiệt hoàn toàn vì nợ nần kẻ khác…” Chính lòng thương xót là nguồn sáng kiến cho những cải cách của thánh Pierre Fourier.

  1. Cho thời đại hôm nay

Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội, một Giáo Hội có phần nào khá hơn thời đại mà thánh Pierre Fourier đã sống. Tuy nhiên chưa hẳn là không có những điều cần phải quan tâm, cứu vớt, chữa lành. Tại nhiều nơi, thân phận người phụ nữ vẫn bị khinh khi, chà đạp. Trong hội nghị về phụ nữ tổ chức tại Thái Lan vừa qua, thú thật là tôi phải khóc nhiều lần khi nghe các nước Châu Á thuật lại việc người phụ nữ bị chà đạp nhân phẩm. kinh doanh thân xác phụ nữ, lạm dụng tình dục trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ vị thành niên… những thực trạng đau lòng! Xã hội không thiếu đối tượng cho chúng ta dấn thân phục vụ đâu! Từ những vùng nông thôn nghèo đói, xa xôi vẫn có những bàn tay đang vẫy gọi chúng ta, như thư chung của các giám mục có nhắc đến. Chúng ta hãy thử nhìn lại xem thánh Pierre Fourier đã hành động ra sao để vực dậy một vùng nông thôn nghèo đói… nào là gây quỹ tín dụng, nào là thay đổi cơ chế giáo dục, đào tạo những bà mẹ tương lai… còn chúng ta ngày nay? Chúng ta phải làm gì để nâng dậy cả một thế hệ trẻ, nhằm bảo đảm cho tương lai của Giáo Hội, của dân tộc, của xã hội?

Ước gì gương của thánh Pierre Fourier giúp chúng ta tìm kiếm, suy tư để có những sáng kiến mới, phù hợp với thời đại.

Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta vừa cảm tạ Chúa vì những gì Chúa đã ban cho thánh Pierre Fourier với những sáng kiến Chúa đã đặt để nơi ngài, vừa cảm tạ Chúa vì dòng Đức Bà vẫn còn tồn tại và tiếp tục phát triển trong Giáo Hội cho đến hôm nay. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho sức mạnh và ánh sáng của Thánh Thần đã tác động nơi thánh Pierre Fourier thế nào thì cũng tác động nơi chúng ta như vậy, để chúng ta có thể mang đến cho thời đại ngày hôm nay một luồng sinh khí mới.

Lm Giuse Nguyễn Công Đoan SJ